ẤM TỬ SA .. cách chọn

Bản thân tôi tự thấy mình chỉ là người thích uống trà, chưa hẳn đã là “người chơi ấm”, ấm tử sa với tôi cũng chỉ là một món trong bộ trà cụ cần có phục vụ cho cái thú của tôi mà thôi. Xong thú uống trà vốn rất đẹp thế nên ấm cái món trà cụ quan trọng nhất phải mang hai đặc tính (với riêng tôi) sử dụng tốt và đẹp nhưng cũng bấy nhiêu đó thôi là đủ nhiêu khê rồi.

Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân (không sao chép) và đương nhiên những điều tôi biết là rất chủ quan, mong sẽ nhận được những “Tham luận” của quý độc giả để bản thân tôi cũng như quý vị có thêm nhiều kiến thức nhằm lựa chọn được những chiếc ấm tốt và đẹp phục vụ cho cái thú uống trà của mình.

Và đây là chia sẻ của tôi:

Để chọn một chiếc ấm tử sa tôi thường quan tâm đồng thời 4 yếu tố sau:

  • Công năng (dùng có thuận-tiện hay không ?);
    Thẩm mỹ (có đẹp hay không ?);
    Chất đất (thuộc nhóm đất nào?, có đúng Tử sa không?);
    Xuất xứ (của ai làm?, thuộc vùng nào?).

Công năng
Ấm dùng để pha trà thế nên một chiếc ấm tốt với tôi đầu tiên phải đạt về công năng

  • Nắp không mớm nước, ấm nghiêng 90 độ không rơi nắp; 
    Vòi rót mạnh, thẳng, tròn dòng, khó tắc; 
    Miệng không gây khó khăn cho việc thay trà và thau rửa ấm; 
    Quai dễ cầm, thoải mái.

Thẩm mỹ
Chiếc ấm sẽ là loại trà cụ ta dùng nhiều nhất chính vì thế nó phải đáp ứng được tính thẩm mỹ, ấm không gây sự khó chịu khi uống trà, một lỗi nhỏ nhưng quá lộ liễu thì coi như bỏ đi, dáng ấm nhanh gây sự nhàm chán coi như bỏ đi. Tôi thấy tuyệt nhất là khi chọn được những chiếc ấm thật giản dị nhưng đường nét, chi tiết phải tinh.

Chất đất
Yếu tố quan trọng nhất và cũng là vấn đề khó nhất, đòi hỏi người thẩm định phải có nhiều kiến thức và sự trải nghiệm cả tốt lẫn xấu mới hy vọng nhận ra. Đây cũng là điều mà tôi nghĩ không thể trao đổi gián tiếp mà cần trực tiếp trao đổi cùng nhau (nhiều khi vẫn sai) mới mong thấy ra được.

Xuất xứ
Những người còn chưa nhiều kinh nghiệm thì nên quan tâm thêm yếu tố này, ấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (tất nhiên là phải chứng minh được) hoặc chí ít người bán phải có uy tín (yếu tố này khá cảm tính nên sai lệch cũng là chuyện thường).

Và sau đây là những yếu tố nhận biết bằng mắt có thể giúp đưa ra quyết định loại bỏ hay lựa chọn một chiếc ấm tử sa:

Những dấu hiệu nếu gặp trên ấm thì không nên mua

Trong lòng ấm và trên nắp ấm có những đường tròn đồng tâm, đây là dấu hiệu thường thấy trên ấm Đài Loan 
(tất nhiên ấm Đài Loan vẫn có ấm tốt nhưng ít vì thế cần biết chắc chắn trước khi lựa chọn)
Da ấm có những nốt phồng rộp hoặc gồ ghề
(điều này chứng tỏ hoặc là đất kém hoặc người làm rất vụng về)
Da ấm có những nốt phồng rộp hoặc gồ ghề
(điều này chứng tỏ hoặc là đất kém hoặc người làm rất vụng về)
Lưới của vòi ấm làm không ngay ngắn, những lỗ đục không tròn 
(khiến cho vòi rót không thẳng, dễ tắc)
Miệng ấm không chỉnh chu, da ấm có dấu hiệu của việc tác động cơ học
(đánh bằng dấy ráp hoặc bằng bột cát tạo độ mịn cho da ấm)
Miệng ấm không chỉnh chu, da ấm có dấu hiệu của việc tác động cơ học
(đánh bằng dấy ráp hoặc bằng bột cát tạo độ mịn cho da ấm)
Bề mặt cho thấy sự không đồng đều về chất liệu
(có thể do thành ấm chất khác áo ấm chất khác)

Những dấu hiệu cho thấy đây là một chiếc ấm tốt

Bề mặt ấm phải đồng đều, không có dấu hiệu phồng rộp
có hạt nhưng sờ vào cảm giá mịn màng
Lòng ấm có những vết thẳng xuất phát từ tâm đáy ấm
Lòng ấm có những vết thẳng xuất phát từ tâm đáy ấm
Có thể có thêm những lạc khoản, chữ viết tay trong lòng ấm 
(dấu hiệu này không quá quan trọng)
Lạc khoản trong lòng ấm
Lưới vòi bên trong ngay ngắn, lỗ của lưới tròn
Miệng vòi và lỗ chính giữa của lưới lọc có thể thấy nhau khi nhìn thẳng 
(có trên ấm tốt)
Miệng vòi và lỗ chính giữa của lưới lọc có thể thấy nhau khi nhìn thẳng 
(có trên ấm tốt)
Chi tiết trang trí thể hiện sự cẩn trọng của người làm ấm
Chi tiết trang trí thể hiện sự cẩn trọng của người làm ấm
Giấy chứng nhận của nghệ nhân kèm theo ấm
(chứng minh xuất xứ của ấm)
Giấy chứng nhận của nghệ nhân kèm theo ấm
(chứng minh xuất xứ của ấm)

Tạm thời đây là những tổng kết rất chủ quan của tôi qua tổng hợp từ sự trải nghiệm của cá nhân và sự chỉ dạy của những người đi trước đặc biệt là của nghệ nhân Phạm Trạch Hồng (nghệ nhân cấp quốc gia) tại Nghi Hưng – Trung Quốc.

Mong những kinh nghiệm này có thể giúp chúng ta không vấp rồi lại vấp nữa.

Nguyễn Việt Bắc

19 comments

  1. Cám ơn bài viết khá hay của tác giả. Có hai điểm tôi không đồng tình:
    1) Không hiểu tác giả dựa vào đâu mà lại kết luận Đài Loan ít có ấm tốt. Đúng ra phải là ấm Đài Loan rất tốt và đắt hơn ấm ở Trung Hoa Lục Địa (dĩ nhiên cũng có ấm không tốt)\.
    2) Giấy chứng nhận: thứ này rất dễ bị làm giả, không tin được.

    Thích

  2. Bạn Lạc Đệ Tú Tài có thể cho xin địa chỉ email để bàn thêm về ấm Đài Loan được không? Sau một thời gian sưu tập ấm Nghi Hưng tôi chuyển qua ấm Đài Loan , ấm Triều Châu và ấm Vân Nam (với ý đồ ấm vùng nào dùng với trà vùng ấy). Theo tôi thang giá ấm Nghi Hưng rất dài. hạng rẽ tiền gía vài trăm ngàn hạng mắc thì gía có thể nhiều ngàn đô la Mỹ cho nên khó có thể nói gía ấm Đài loan cao hơn gía ấm Nghi Hưng. Ấm Đài loan làm theo càch Đài loan và do nghệ nhân có tiếng thì mắc nhưng không mắc hơn loại “có thể sưu tập” của Nghi Hưng, còn loại làm nhái theo ấm Nghi Hưng thì không mắc.

    Thích

  3. Để có một chén trà ngon, ngoài việc phải có trà ngon, nước, cách pha phù hợp, thì ấm trà và chén uống trà là yếu tố quyết định vì cùng một loại trà, nước, cách pha nhưng pha trong các ấm trà khác nhau cho nước trà hoàn toàn khác nhau.

    Vậy một ấm trà tốt ngoài hình thức kiểu dáng thì Chất đất: “Yếu tố quan trọng nhất và cũng là vấn đề khó nhất, đòi hỏi người thẩm định phải có nhiều kiến thức và sự trải nghiệm cả tốt lẫn xấu mới hy vọng nhận ra. Đây cũng là điều mà tôi nghĩ không thể trao đổi gián tiếp mà cần trực tiếp trao đổi cùng nhau (nhiều khi vẫn sai) mới mong thấy ra được.” hoàn toàn đồng ý với anh Việt Bắc, tuy nhiên lấy gì làm cơ sở để thẩm định? theo tôi thì chỉ có một cơ sở duy nhất là khả năng thưởng thức và nghệ thuật xử lý ấm đất vì một chiếc ấm đất dù tốt đến mấy vẫn phải qua một quá trình tôi luyện đúng cách thì mới trở thành ấm pha trà ngon.

    “Nghệ thuật là một cái gì đó phải học nhưng không phải ai học cũng được” nếu ai đã thưởng trà được thì việc phân biệt một ấm trà chất đất tốt hay xấu không phải là vấn đề khó khăn, dĩ nhiên vẫn phải cần kinh nghiệm và sự từng trải trong việc lựa chọn ấm.

    Cái đầu tiên của nghệ thuật trà là thưởng trà, sau đó tiến lên bước cao hơn là tinh thần trà hay có thể gọi là đạo của trà… thế mà cái bước sơ khởi đầu tiên này thực tế trong trà giới ít người đạt được…buồn thay!

    Thích

  4. Chào bạn Nguyễn Như Nguyện,
    Tôi có thắc mắc khi bạn nói đến “khả năng thưởng thức” và ““nếu ai đã thưởng trà được thì việc phân biệt một ấm trà chất đất tốt hay xấu không phải là vấn đề khó khăn” không biết có phải bạn muốn nói cứ dùng ấm pha trà uống thử thì biết ngay. Nếu thế thì không dễ chút nào vì hiếm khi mình được dùng thử trước khi mua.
    Tôi có đóng góp nhỏ chia xẻ với các bạn là khi mua ấm tôi hay để ý cỡ lớn (size) của ấm. Lúc đấu tôi mua ấm cỡ từ 150-200 ml vì lúc đó tôi uống trà rẻ tiền chỉ uống một nuóc. Càng ngày các ấm tôi mua càng nhỏ dần cho đến hiện nay tôi dùng ấm chưa tới 60 ml và dùng loại trà có thể uống đến 8 nước hậu vị vẫn còn ngọt. Theo tôi ấm cỡ 100-150 ml có thể dùng cho ba nguòi uống.

    Thích

  5. Chào bạn Tien Nguyen

    “Tôi có thắc mắc khi bạn nói đến “khả năng thưởng thức” và ““nếu ai đã thưởng trà được thì việc phân biệt một ấm trà chất đất tốt hay xấu không phải là vấn đề khó khăn” không biết có phải bạn muốn nói cứ dùng ấm pha trà uống thử thì biết ngay. Nếu thế thì không dễ chút nào vì hiếm khi mình được dùng thử trước khi mua.”

    Không phải ý tôi ” muốn nói cứ dùng ấm pha trà uống thử thì biết ngay” vì dùng một chiếc ấm mới chưa qua xử lý pha trà uống thử ít nói được điều gì, riêng với tôi việc thử dùng trước khi mua thì khá đơn giản vì do sự quen biết với các nơi bán ấm. Ý của tôi là sau khi chọn được chiếc ấm như ý (về hình thức, chất liệu) rôi, cần qua một quá trình xử lý khắc khe có thể nói là cả một nghệ thuật tinh tế, ấm sau khi qua quá trình xủ lý này cùng với khả năng thưởng trà của người chơi ấm, ấm sẽ được thẩm định chính xác.

    Tuy nhiên với khả năng của một người chơi ấm từng trải thì việc nhìn qua một chiếc ấm là có thể biết ngay được là tốt hay không, đến một mức nào đó sẽ có sự đồng cảm giữa người và vật, điều này không thể giải thích được mà chỉ có thể cảm biết.

    Chia sẻ của bạn về kích thước ấm hoàn toàn chính xác, có một điều lạ là càng tiến sâu vào đạo trà càng thích ấm có kích thước nhỏ điều này cũng không thể giải thích được và phải công nhận là ấm có dung tích khoảng 50 ml pha trà ngon tuyệt, cũng không biết lí do vì sao hihi… có thể nói nhìn chiếc ấm người đó dùng có thể đánh giá ngay khả năng thưởng trà của họ, cao thủ thật sự hiếm khi dùng trên 60 ml vì chén trà của họ thường từ 20-30 ml, nên ấm khoảng 50 ml là có thể song ẩm được rồi, xin mượn lời của bác Vũ Thế Ngọc “càng tiến sâu vào đạo trà thì càng…hiếm trà hữu…” rất vui được biết bạn

    Thích

  6. Cảm ơn bạn Nguyện đã mau mắn trả lời. Tôi sưu tập khá nhiều ấm . Vừa rồi tôi có để lên facebook vài cái mời bạn và bạn Lạc Đệ Tú Tài xem thử. Tôi kể theo thứ tự a b c : Ấm Đài Loan 2 cái, ấm Nghi Hưng một cái, ấm Triều Châu một cái và ấm Vân Nam một cái. Về giá mua thì tôi kể theo từ cao đến thấp: 5 triệu, gần 2 triệu, 1,2 triệu, gần 1 triệu và 400 ngàn. Mời bạn đóan thử cái nào cao gía nhật và cái nào thấp nhất. Đây cũng là để trả lời bạn LĐTT vì sao có thể nói ấm Đài Loan rẻ hơn ấm Nghi Hưng.

    Thích

  7. Tôi xin lỗi không dùng đề mục nầy của anh VB nói chuyện riêng nữa. Và tôi cũng mong bạn Nguyện đóng góp hiểu biết và kinh nghiệm của mình vào đề tài “Mua và dùng ấm Tử Sa”. Tôi đồng ý với mọi khía cạnh nêu ra trong bài nầy ngoại trừ anh VB đã đưa ra một ví dụ cái ấm quá xấu của Đài Loan. Về phần chất đất, khả năng làm giả của TQ khiến tôi không tự tin hoàn toàn vào kinh nghiệm của tôi mà tôi phải thêm hai yếu tố là lòng tin ở người bán và gía tiền theo câu tiền nào của nấy. Ấm Nghi Hưng tôi mua 5 triệu, ấm Đài Loan tôi mua 400 ngàn. Ấm Nghi Hưng dưới 1 triệu tôi không dám dùng vì không tin vào chất đất. Rất mong bạn Nguyện đóng góp vào đề tài nầy.

    Thích

  8. Làm gốm có 4 cách chính: dùng bàn xoay, làm bằng tay hoàn toàn (hand build), dùng khuôn, và slip cast. Tôi nghĩ đất tử sa không dùng phương pháp bàn xoay và slip cast được nên ngày xưa làm bằng tay hoàn toàn còn hiện nay đa số (gần như hầu hết) làm bằng khuôn. Khi mua ấm tôi cũng coi ấm làm bằng phương pháp nào.

    Thích

  9. Các sản phẩm tiêu dùng nói chung thường tuân theo nguyên tắc tiền nào của nấy, nhưng các sản phẩm dành cho người “chơi” thì hầu như không tuân theo qui tắc này đặc biệt là ấm đất hầu như phụ thuộc vào khả năng thẩm định của người chơi là chính, còn về lòng tin ở người bán thì cũng không thể vì phần lớn người bàn chỉ muốn bán cho được hàng của mình và chính bản thân họ cũng không hiểu biết mấy về món hàng họ đang bán, làm bằng phương pháp nào không quan trọng miễn là sản phẩm như ý là được. theo tôi ấm Đài Loan hay Trung Quốc là muốn nói về chất liêu, thực sự các ấm làm từ đất sét của Đài Loan thua xa ấm tử sa Nghi Hưng (xin lưu ý là ấm tử sa hiện tại khá hiếm) tuy nhiên các nghệ nhân Đài Loan vẫn làm ấm với chất liệu tử sa lấy từ Trung Quốc khi đó bảo ấm Đài Loan thua ấm Nghi Hưng về chất liệu là không đúng, phải công nhận là phần lớn ấm của các nghệ nhân Đài Loan làm khá tinh tế mà giá thành thì không cao lắm chỉ khoảng 10 triệu đổ lại.
    Hiện nay có một chuyện lập lờ đánh lận con đen là các ấm đất đem từ Trung Quốc về đều được gọi là ấm tử sa mà thực ra phần lớn là không phải, các loại đất sét ở Trung Quốc quá đa dạng, chưa kể hiện nay họ còn trôn với các chất liệu khác như đá xoay nhuyễn, bột màu công nghiệp, thủy tinh… để làm giả ấm tử sa những chiếc ấm này không những làm hư trà mà còn rất có hại cho sức khỏe,
    Ngoài ra các loại đất sét pha lại với nhau, pha với đất tử sa với các tỉ lệ khác nhau tùy theo mỗi nghệ nhân tạo cho sản phẩm ấm đất muôn màu muôn vẻ, đa dạng phong phú vô cùng với đủ các loại hình dạng và màu sắc, nên việc chọn ra một chiếc ấm tốt không dễ chút nào khiến các người chơi thường dựa vào tên tuổi nghệ nhân và tin ở người bán.
    Hiện nay ở TP.HCM, thị trường ấm có ấm của các nghệ nhân như Vương Huệ Chung, Tôn Lập Cường… giá từ vài mươi đến lên cả trăm triệu một cái ấm, với tôi các ấm này tương đối đẹp về hình thức còn chất đất chỉ nằm ở hàng trung bình vì các nghệ nhân quan tâm là tìm ra một chất liệu sao cho dễ làm thành một chiếc ấm đẹp chứ không quan tâm lắm đến việc ấm pha trà ngon vì thực tế người thưởng trà quá ít và với cái ấm cả trăm triệu như thế tự nhiện người ta thấy trà trong đó ngon!!!
    vậy làm sao để chọn được chiếc ấm chất liệu tốt phục vụ cho việc pha trà ngon, chỉ có một cách duy nhất là kinh nghiệm chọn ấm và khả năng thưởng trà của người chơi và không phụ thuộc lắm vào giá tiền, tôi có những chiếc ấm khoảng năm sáu trăm ngàn vẫn ăn đứt các ấm năm ba chục thậm chí cả trăm triệu như thường (các bạn không rành sẽ cho là nói ngoa hihi…)
    Anh tiên nguyen hãy xử lí ấm cho tốt cùng với khả năng cảm thụ của mình và với thời gian sẽ có được những kinh nghiệm biết thế nào là một ấm tốt thôi và xin lưu ý là tiền học phí cho vấn đề này không ít vì giá ấm tử sa hiện tại khá cao.
    “Nghệ thuật là một cái gì đó phải học nhưng không phải ai học cũng được”
    Trân trọng

    Thích

    1. Bạn Như Nguyện
      Chúng tôi lưu ý bạn: Các luận điểm của bạn khi được đưa ra cần có căn cứ (thực chứng), ví như thông tin bạn đưa ra là “xin lưu ý là ấm tử sa hiện tại khá hiếm” thì cần phải được minh chứng rõ ràng như tại sao hiếm hoặc những số liệu thống kê một cách khoa học cụ thể về đất tử sa để minh chứng, chúng tôi không muốn những trao đổi chỉ là những ý kiến cá nhân mà lại có ảnh hưởng đến tâm lý người dùng, thế nên những thông tin mang tính khoa học thì cần phải được thực chứng trước khi bạn nêu ra những thông tin đó. Hay bạn cho biết “Hiện nay có một chuyện lập lờ đánh lận con đen là các ấm đất đem từ Trung Quốc về đều được gọi là ấm tử sa mà thực ra phần lớn là không phải” thì bạn phải có căn cứ, nếu không những thông tin như vậy sẽ tiếp tục làm cho mọi sự càng thêm mập mờ.
      Chân thành cảm ơn Như Nguyện đã trao đổi!

      Thích

  10. Chào anh Bắc!
    Hữu duyên ghé quán anh sáng 20/11 vừa qua và được thưởng trà Bạch hạc cùng anh.
    Cảm ơn anh đã cho tôi được một buổi sáng với cảm giác thư thái sau những mệt mỏi và lo toan của cuộc sống!
    Mong sẽ được giao lưu với anh nhiều hơn, sâu sắc hơn nữa!

    Thích

Đã đóng bình luận.