Lễ cúng cây chè tổ ở Suối Giàng

Vào ngày 28/9/2013 tôi đã có dịp tham dự lễ “cúng cây chè tổ” ở Suối Giàng, đây là dịp tôi đã đợi để có thể tìm hiểu chi tiết về lễ cúng này, nhằm giải đáp một số thắc mắc đã hiển hiện trong đầu tôi bấy lâu nay, những thắc mắc đó là: Có thực người Mông trên Suối Giàng có tục “cúng cây chè tổ”?; lễ cúng được thực hiện vào dịp nào và diễn ra như thế nào?.

Người phụ lễ chuẩn bị ban thờ "cúng cây chè tổ"
Người phụ lễ chuẩn bị ban thờ “cúng cây chè tổ”

Để chuẩn bị lễ cúng, chủ lễ mời ông Giàng A Lừ là thầy cúng nay đã 82 tuổi để hành lễ “cúng cây chè tổ”, trong lúc chờ đợi diễn ra lễ cúng tôi có dịp hỏi chuyện ông.

– Hỏi: Ông có còn nhớ tục “cúng cây chè tổ” diễn ra lần đầu tiên khi nào và ai là người cúng đầu tiên?

– Đáp: Tôi là người cúng đầu tiên, năm 2000 vào lễ hội Văn hóa ba huyện miền Tây-Yên Bái. Tôi chỉ cúng khi được yêu cầu để quay phim-quảng cáo thôi.

– Hỏi: “Cây chè tổ” hiện tại đã là cây to nhất Suối Giàng hay chưa?, tại sao lại lựa chọn cây đó để cúng?

– Đáp: Cây chè đó chưa lớn nhất đâu, những cây chè lớn và mọc tự nhiên có nhiều ở bản Giàng Cao, còn ở bản Giàng Thấp (nơi có “cây chè tổ”) là những cây trồng từ những năm 1960-1970, chỉ có “cây chè tổ” là cây tự nhiên thôi. Họ chọn cây đó để cho tiện đi lại chứ trên Giàng Cao khó đi lắm.

– Hỏi: Ông thường “cúng cây chè tổ” theo lễ cúng gì?

– Đáp: Cúng theo lễ cúng ma nhà thôi.

Người Mông là một trong số những tộc người có tập quán du canh du cư chính vì thế họ không có tập tục thờ cúng linh vật cố định như cây mà họ có tục cúng Thần Rừng (“Ngày xưa trong rừng nhiều Hổ lắm, Hổ cứ cắn Trâu-cắn Lợn, không ăn nó cũng cắn nên phải cúng Thần Rừng để con Hổ đỡ cắn con Lợn-con Trâu”), cúng Giàng, và cúng ma nhà là những thế lực siêu nhiên luôn theo từng bước chân và gắn bó suốt cuộc đời du canh du cư của họ. Như vậy với thắc mắc về việc “thực người Mông có tục cúng cây chè tổ hay không?” của tôi đã được giải đáp bởi ông Giàng A Lừ là người đầu tiên “cúng cây chè tổ”, ông Giàng A Lừ nguyên là bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng.

Lễ “cúng cây chè tổ” diễn ra như thế nào?

Chuẩn bị: một con gà sống; ban thờ được dựng ngay gốc “cây chè tổ” trên bốn trụ bằng tre; năm tờ giấy vàng được dán lên ban thờ “để con ma nó nhập vào”; bốn chén rượu được làm bằng bốn ống tre; muối; gạo; xôi.

Sau khi ban thờ được sửa soạn xong, ông Giàng A Lừ bắt đầu hành lễ
Sau khi ban thờ được sửa soạn xong, ông Giàng A Lừ bắt đầu hành lễ

Hành lễ (theo lễ cúng ma nhà): Thầy cúng thắp hương lên bốn đầu cột chống ban thờ, cầm con gà sống hướng về phía ban thờ vừa cúng vừa đọc văn khấn, sau khi khấn, cắt tiết gà ngay dưới chân ban thờ, chọn những chiếc lông cổ gà đẹp, chia thành 3 túm, dùng tiết gà vừa cắt ra dán lên tờ vàng chính giữa trên ban thờ “phải làm thế thì con ma mới nhận được”, họ làm thịt gà ngay tại chỗ rồi đem luộc, sau khi luộc gà được dâng lên ban thờ cùng muối-gạo-xôi  để thầy cúng cúng lại lần nữa. Sau khi cúng xong lễ vật được thu về, họ không hóa vàng như người Kinh mà họ hóa những tờ giấy được cắt và xếp thành xấp một “phái đốt như vậy để đưa lễ vật xuống cho con ma”.

Ban thờ được chuẩn bị để cúng lại và kết thúc lễ "cúng cây chè tổ"
Ban thờ được chuẩn bị để cúng lại và kết thúc lễ “cúng cây chè tổ”

Sau khi lễ cúng kết thúc, lễ vật được thu lại để “hưởng lộc” rượu sẽ chia cho thầy cúng và chủ lễ uống mỗi người hai cốc.

Việt Bắc