TRUYỀN NGHỀ .. làm thợ trà

học nghề không phải học việc

học nghề là học TƯ DUY & KỸ NĂNG giúp người thợ chủ động với nghề

học .. để tìm lối đi riêng trong nghề !


Tôi thấy như thế này !

Nếu với .. Đài Loan .. Trung Quốc .. Ấn Độ .. Nhật Bản .. việc học nghề trà là lẽ thường thì ở Việt Nam ta chuyện này lại chưa tồn tại, trường đại học nông nghiệp có chương trình dạy, viện trà có chương trình nghiên cứu, nhưng tuyệt nhiên chưa có chương trình dạy nghề nào .. dù việc dạy nghề là rất cần thiết !

.. một doanh nghiệp thương mại rất cần có thợ tay nghề cao nhằm giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm phía nhà cung cấp ..nguồn hàng.. hiện tại hầu như các công ty thương mại ở nước ta đều không có người đảm trách vị trí này, cũng bởi vậy mà tình trạng quan hệ giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp thường xảy ra xung đột trong cách đánh giá chất lượng sản phẩm giúp thống nhất giá thành, việc doanh nghiệp hiểu rõ về sản xuất là tối quan trọng, giúp họ đánh giá được chính xác chất lượng cũng như giá thành của sản phẩm trà khi nhập hàng.

.. các xưởng sản xuất đang phải tự đào tạo thợ cho mình, việc này là bắt buộc nhưng thường nó xếp ở vị trí thứ hai, tuyệt vời nhất là họ có thể tuyển những người thợ đã thạo nghề, rồi ghép người thợ ấy vào với quy trình của xưởng mình, lực lượng thợ này là điều cần thiết giúp các xưởng xử lý các đơn hàng thời vụ ..mà việc sản xuất trà cũng vốn mang tính thời vụ.. không có nguồn thợ dự phòng khiến nhiều xưởng sản xuất mất cơ hội thực hiện những đơn hàng lớn. hơn nữa, đào tạo nghề ngay tại xưởng làm việc từ người chưa biết gì thành thợ khiến xưởng ấy ăn vào lối mòn ..kinh nghiệm.. thiếu cái nhìn khách quan từ các phía có chuyên môn khác, việc gửi thợ của xưởng đi học nghề giúp xưởng tránh được lối để có được sự sáng tạo sản phẩm và tư duy sản xuất tốt hơn.

.. những người mới bước vào lĩnh vực cần có những nền tảng cần thiết để bước đi mà không hao tổn nhiệt huyết và tiền bạc chỉ vì sự thiếu hiểu biết về nghề mà mình đang bước vào, tôi quan sát và thấy nhiều những tấm lòng say mê trà đã phải trả cho sự say mê đó đến nhiều trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng không đáng, sự bất hợp lý đó khiến niềm say mê bị bào mòn, khiến nhu cầu lấy lại tăng, và một phần sự ..sa sút.. đạo đức từ đấy mà ra, hiểu cặn kẽ con đường hoặc ít nhất là hiểu nhất có thể về con đường ấy trước khi bước chân lên luôn là điều tích cực nhất và luôn là bệ đỡ tốt nhất dẫn đến thành công.

Truyền Nghề !


Tôi tin vào cách truyền thụ cổ điển, bởi vậy, bạn sẽ không tìm thấy ở tôi những bộ giáo trình, hay một danh mục những ghạch đầu dòng môn học mà chúng ta sẽ phải hoàn thành, tôi không làm như vậy, tôi chọn cách cổ điển, nghĩa là chúng ta sẽ ở cạnh nhau trong bất cứ việc gì, chúng ta làm việc cùng nhau dù đó là việc của ai, thay vì giáo trình được soạn thảo, tôi là cuốn giáo trình sống ngay bên bạn, mỗi người có những năng lực riêng biệt, điều đó giúp xác định họ làm tốt nhất trong công việc nào, một cuốn giáo trình cho tất cả là phi lý.
Khi chúng ta chọn nhau .. tôi đồng hành với bạn trên con đường của bạn .. thay vì .. bạn đồng hành với tôi trên con đường của tôi !

Không một tòa nhà đồ sộ nào mà không có bộ nền móng vững chắc, với nghề trà những đầu mục sau đây là nền móng, chúng ta buộc phải cặn kẽ những kiến thức này.

Lý thuyết

  1. Vùng trà & Cây trà
  2. Canh tác, khai thác, chế biến trà
  3. Đời sống của một thợ trà
  4. Lịch sử hình thành & Văn hóa trà
  5. Hệ sinh thái & Đời sống thực vật vườn..đồi.. trà

    .. sau chừng năm buổi trò chuyện, chúng ta sẽ thường xuyên trao đổi và thực hành những nội dung này bất cứ thời điểm nào có chủ đề !

Điền giã & Thực hành

1.. canh tác & khai thác
Có thể chúng ta sẽ không sở hữu vườn hay cây trà, có thể chúng ta sẽ không tham gia vào quy trình khai thác, hoặc những gì chúng ta biết thậm chí bất khả thi ở thời điểm hiện tại, xong việc hiểu cái cây, hiểu cách chúng sống và cách kiến thiết đời sống cho chúng là kiến thức không thể thiếu ở một người thợ trà, chúng ta sẽ cùng làm việc với vườn, với cây, quan sát và tìm ra cách tương tác hữu cơ nhất với nó.

2.. chế biến trà
Tình trạng phụ thuộc trang thiết bị trong việc chế biến xảy ra khắp nơi, không bởi người thợ yếu tay nghề, mà bởi cách tiếp cận thiếu cặn kẽ, chúng ta sẽ cùng nhau làm việc từ phương cách nguyên thủy nhất, từ công việc giúp nhận ra nguyên lý của việc mình làm, rồi ta sẽ cùng nhau làm việc trong những xưởng có trang thiết bị hiện đại, qua đó giúp ta nhận ra được cái gốc của vấn đề, giải trừ đi sự phụ thuộc vào trang thiết bị, bởi trang thiết bị là công cụ hỗ trợ người thợ chứ không phải ngược lại ..người thợ hỗ trợ công cụ.. như hiện tại.

3.. dệt hương trà
Đây là việc không khó làm, nhưng rất khó để hiểu, những sản phẩm thuộc nhóm này không thể hiện tay nghề nhiều lắm, xong lại thể hiện một giá trị tối cao của người thợ .. tính thẩm mỹ .. cũng bởi việc dệt hương cho trà chưa bao giờ được nhìn nhận đúng cạnh khía của vấn đề thế nên hầu hết những loại trà ..ướp hương.. có bán trên thị trường còn rất thô sơ và chưa được đẹp đẽ về hương vị như nó nên có.
Chúng ta cùng nhau làm việc với từng loài hoa, với từng trạng thái của chúng, để hiểu .. hương nổi .. hương chìm, để tường minh .. tính thảo .. tính mộc .. của từng nguồn hương .. thụ động .. hay .. chủ động, tất cả những hiểu biết đó, giúp nâng trình độ thẩm mỹ về hương vị trong mỗi thức trà được làm ra.

4.. thiết lập kho xưởng chế biến
Chúng ta sẽ làm việc ở các quy mô xưởng, trong các điều kiện môi trường và trang thiết bị, qua đó, chúng ta tìm ra cách thức thiết lập kho..xưởng phù hợp cho mình, hoặc phù hợp với giai đoạn hiện tại của bản thân.

5.. bảo quản, đóng gói & xử lý trà tồn kho
Từ khi trà được chế biến xong, chúng bắt đầu chuyển qua giai đoạn lên men tự nhiên, nó là điều hiển nhiên sẽ diễn ra, tất nhiên chúng ta có cách thức ngưng trệ tối đa quá trình tự biến đổi này, xong để làm được điều đó sẽ hao tổn một lượng tiền lớn, thay vì vậy, sự hiểu biết cặn kẽ về từng sản phẩm trà sẽ giúp chúng ta quyết định được quy trình bảo quản, đóng gói phù hợp với từng sản phẩm, và trên hết là .. xử lý hàng tồn kho.

6.. thiết lập quán trà & vận hành quán
Mở một quán trà đối với người say mê trà giống như mở ra một chốn nương náu cho tâm hồn của họ vậy, trong khi đó, đối với chủ doanh nghiệp nó lại giúp kết nối với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, và đánh giá sản phẩm trước khi sản xuất hàng loạt, bởi vậy, nhu cầu mở một quán trà gần như ít nhất một lần xuất hiện trong suy nghĩ của bất cứ ai theo nghiệp này, tôi cũng vậy, tôi có quán trà của riêng mình, nó đã mười năm giúp tôi thấu hiểu trà khách và giúp tôi có cái nhìn khách quan về sản phẩm mình làm ra, tôi cũng đã thiết lập nhiều quán trà với mọi hình thức để thư giãn hay kinh doanh, đấy là những tài nguyên tuyệt vời, những mẫu sống động để chúng ta tìm ra điều phù hợp cho mình.

.. BẮC ĐỖ
bac.do blog

%d người thích bài này: