Tôi không hiểu từ khi nào và do đâu mà “Di sản văn hóa trà Việt” lại gắn liền với cái yếm (nội y của người phụ nữ thời Phong kiến)!. Từ Festival trà Thái Nguyên, hội chợ nông nghiệp, quảng cáo sản phẩm, ngày hội di sản, … đâu đâu cũng thấy pha trà phải là một cô gái nõn nà, yếm đào hờ hững. Tất nhiên không thể chối cãi, nhìn phụ nữ mặc nội y thậm chí nude làm gì cũng thích mắt hơn thật!
Tôi hân hạnh được quen biết với đôi ba người bạn nghiên cứu Văn hóa. Qua họ, tôi thấy việc nghiên cứu không dễ dàng chút nào, rất cực nhọc là đằng khác, xong, vấn đề nằm ở chỗ, Văn hóa là một khái niệm khó minh định (đối với người ngoại đạo như tôi) thế nên cùng làng cuối ngõ, đầu đường xó chợ, trong nhà ngoài quán, thời này, đâu đâu cũng bàn Văn hóa, thậm chí cả những kẻ vô Văn hóa cũng đi rao giảng Văn hóa.
“Di sản Văn hóa trà Việt”, tôi hiểu “di sản” nghĩa là cái được để lại từ đời trước, như vậy có thể hiểu cụm từ trên là những nét Văn hóa trà Việt Nam được truyền lại từ đời trước, quý vị có thấy ngay vấn đề ở cái “áo lót trong” của chị em mà ngày xưa các cụ gọi là yếm hay chăng?. Tôi nhớ gia đình tôi khi xưa, sinh thời hai ông nội-ngoại tôi dù đã sống ở một xã hội khác xưa, nhưng, các cụ vẫn dữ cái nếp cũ trong việc tiếp-đãi bạn bè thân hữu, bàn khách là nơi bọn trẻ con và đám đàn bà trong nhà không được bén mảng đến khi có khách, chứ đừng nói đến việc ăn mặc hở hang (yếm là nội y) pha trà tiếp khách.
Ở đây, tôi không bàn chuyện hay-dở việc người con gái pha trà, chẳng những thế, tôi ủng hộ, và thấy hứng thú với ý tưởng xây dựng hình tượng “Trà nương”. Một người con gái mình Hạc xương Mai, đôi tay thon thả nâng chén trà mỏng manh, với men ngà tôn lên sắc nước đẹp đẽ, cùng thao tác mềm mại uyển chuyển, với vẻ mặt thanh tú, đôi môi tươi tắn, đôi mắt sáng trong, luôn là điều tôi mơ tưởng, và tôi tin có nhiều người trong quý vị cũng mơ tưởng như tôi!. Xong ở đây lại là câu chuyện “di sản” là câu chuyện của sự hiểu biết và tử tế của người đang tự mang trên mình cái mác “làm Văn hóa”.
Cái mác “làm Văn hóa” thời này có vẻ là một tấm vé giúp người ta tiệm cận được với miếng mồi béo bở cả mặt tiền bạc và danh vọng, chính thế không ít kẻ đeo đuổi. Nếu trên những đồi trà, cây Bòng Bong là nỗi ám ảnh, thì tôi thấy, những kẻ đó tương tự như cây Bòng Bong vậy, nó mọc nhanh, bám theo thân cây mà leo lên hớt lấy phần ánh sáng buổi bình minh, cây lớn tới đâu nó leo tới đó, xiết cổ, vỗ mặt cho tới héo hon oặt ẹo thân-cành.
Nguyễn Việt Bắc
[015-1103]