Những ngày rồi ở Hà Nội nói riêng và miền bắc nói chung trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp. Với những người phải hứng chịu thì không cần mô tả thêm nữa, tả lại há chẳng phải tôi đụng vào vết thương đang đóng vảy của quý vị hay sao?!. Nhưng cái điều tôi sắp trình bày nó yêu cầu tôi phải điểm qua vài con số, mong quý vị thông cảm!.
Đợt nắng nóng đến bảy ngày liên tục, (không tính những ngày chừng trên 30°C) với nhiệt độ trên dưới 40°C, khiến tôi không thể đi liên tục trên một quãng đường chỉ chừng 10km ở Hà Nội. Tôi ghé vào quán nước ven đường. Tất cả mọi người bước vào quán cùng chung một thao tác là kéo áo quá bụng, găm lại trên ngực (tất nhiên trừ phái nữ!) trước khi ngồi xuống ghế của mình, an vị rồi lại cùng chung một hành động … há mồm, nhăn trán, thậm chí lè lưỡi … thở. Tối về, ra hè ngồi, gặp anh cùng khu bước ra khỏi chiếc xe Mercedes đen sang trọng, anh ấy kêu “anh phải chạy lên phòng, khiếp quá”, tôi đáp lời lấy lễ “trời với đất kinh hoàng”, anh ấy đáp lại câu nữa trước khi chạy vội “xe anh đo nhiệt độ ngoài trời 43°C”, thật khủng khiếp. Trên tường Facebook liên tục xuất hiện dòng tin “Rán chín trứng và thịt dưới trời nắng nóng Hà Nội” thế đấy. Những vùng trà cũng không thoát cảnh nắng nóng này.
Hơn một tháng trước, tôi cùng một cô em tên Dương Anh, gia đình cô ấy có đồi trà, đồi chừng năm sào bắc bộ, cây đã trên dưới 30 năm tuổi, được ươm từ hạt cây trà rừng. Cô ấy muốn cải tạo và cứu lấy mấy cây trà đó từ khi gia đình muốn nhổ bỏ chúng đi. Sau đợt nắng nóng cô ấy gửi cho tôi loạt ảnh với tiếng kêu thảng thốt “anh ơi! Vườn trà sau đợt nắng cháy hết rùi!”, hoảng hồn tôi tưởng cháy theo nghĩa đen, nhìn ảnh cô ấy gửi tôi vẫn nghĩ là cháy thật!, nhưng không phải cháy mà là táp nắng, xong do nắng đến mức rán được trứng với thịt lại hiềm một nỗi đồi khô, đất trơ nên cây như bị “cháy” lửa, trông thật thảm hại. Haizzz…, “cháy” là cái sự không may cho cô ấy, nhưng lại có một sự may trong đó, nhỏ thôi, đấy là nó cung cấp tư liệu trực quan để tôi có căn cứ mà nói mấy điều “nhảm” tiếp sau đây.


Năm sào trà nhà cô ấy giờ có thể chia thành hai vườn liền kề, một vườn đã xác định vứt bỏ (vườn bỏ đi) nên gia đình trồng cây keo vào và không chăm sóc đã bốn năm năm nay, còn một vườn vẫn muốn giữ (vườn giữ lại) nên gia đình không trồng cây khác vào mà vẫn chăm sóc hòng giữ lại cây. Nhưng, một điều thú vị, vườn xác định bỏ thì lại xanh tốt, vườn muốn giữ thì héo úa, còi cọc, bệnh dịch tràn lan. Tuy hai vườn liền kề chỉ phân ra bởi một bên có keo một bên không, nhưng tuyệt nhiên bên có keo rất ít sâu bệnh, cây xanh tốt mọc cao, búp lớn hơn rất nhiều. Nguyên do ở đâu?.


Quan sát kỹ lưỡng thì tôi thấy, hệ sinh thái của vườn bỏ đi tốt hơn vườn giữ lại. Trong khi vườn bỏ đi có nhện, kiến, dế, giun … thì vườn giữ lại hoàn toàn không có điều đó. Đất của vườn bỏ đi được phủ một lớp dày lá khô và đã có lớp mùn, ít cỏ, trong khi đó thì vườn giữ lại hoàn toàn thiếu những thứ mà vườn bỏ đi đang có. Sâu đục thân khiến cây ở vườn giữ lại chết thành từng vùng hoặc hàng dài thì vườn bỏ đi sẽ dừng lại ở cây thứ ba, bẻ cây chết do sâu đục thân đã mục thấy có kiến trú ngụ bên trong.




Bướm sinh sâu nhưng lại là thức ăn của nhện, trứng sâu đục thân và rệp là thức ăn của kiến, tổ sâu là nơi trú ngụ của kiến, mùn phủ kín đất lại cộng thêm có dế như “nhà máy chế biến phân hữu cơ tự nhiên” và cỏ là loại thức ăn ưa thích của dế, do đó đã hạn chế sức sinh trưởng của cỏ và giữ ẩm cho đất, giun “lưỡi cày của nhà nông” giúp đất tơi xốp, trong khi đó cây không bị chặt và tỉa tán tạo điều kiện cho cây phát triển tán tự nhiên điều này thúc đẩy bộ rễ phát triển, đấy là lý do khiến cho vườn bỏ đi được xanh tốt và ít sâu. Khi cây trà khỏe thì sức chống chịu với bệnh cũng tốt hơn.
Tiếp cuộc hội thoại của tôi và Dương Anh sau đợt nắng nóng:
- Tôi: đợt vừa rồi nó đã diệt cho em khá nhiều sâu bệnh rồi đấy
DA: vâng bớt rất nhiều các loại muội
Tôi: em cho nhặt sâu ngay đi, đang thuận trời
DA: Nhặt sâu?
Tôi: vừa bị nắng táp, sâu bệnh chết và yếu đi nhiều, lúc này là lúc thích hợp để em hái nốt những ngọn “muội” đấy
DA: vâng!
Tôi: nếu sâu yếu đi rồi cộng với việc mình nhặt đi nữa thì sẽ rất tốt rồi.
Tôi: Phần cây trong vườn keo thế nào?
DA: bớt những con muội, và không bị táp lá do nắng ạ, đang nẩy búp
Tôi: em có thấy ra điều gì không?
DA: hihi, có ạ
Tôi: cây keo có bị táp nắng không?
DA: không bị ảnh hưởng gì nhiều ạ, vẫn xanh tươi
Tôi: nếu cây trà mà khỏe mạnh từ bộ rễ thì nó cũng như cây keo, nắng nóng chừng 7 ngày liên tục không hề hấm gì với nó hết
Tôi: rệp có đỡ hơn không?
DA: có anh ạ!, bớt rệp đen
…
Nắng nóng khủng khiếp là vậy, nhưng với một đợt nắng nóng không kéo dài mà lại có mưa ngay sau đợt nắng nóng (nếu không có mưa ta có thể tưới bổ sung) thì vẫn có lợi, thực tế trên vườn trà của gia đình Dương Anh cho thấy, sau đợt nắng nóng, tuy cây trà bị héo úa (chưa đến mức chết) nhưng nó đã giúp diệt đi rất nhiều sâu bệnh. Việc cây bị héo úa cũng do suy kiệt mà ra, đất lâu ngày không mưa lại chẳng có gì che phủ, vậy chẳng khác gì phơi đất cho khô, nhất là lại còn “cuốc lật đất cho tơi” thì có khác gì phơi phải trở mới chóng khô!. Những cây trà trong vườn bỏ đi hầu như không bị ảnh hưởng gì sau đợt nắng nóng, ngoài hiện tượng có lợi là sâu bệnh ít đi. Cây trong vườn keo, được tán keo che mát, lại nhiều mùn dưới đất việc mất nước được hạn chế rất nhiều, nhờ vậy đồi không bị khô. Hơn nữa, đã nhiều năm cây trà được sống tự nhiên, bộ rễ đã mạnh lên nhiều nên nó đủ sức làm việc hút nước trong đất cung cấp cho việc giải nhiệt trên mặt lá thế nên nó hoàn toàn ổn định theo quy luật tự nhiên trong nó.
Với nguyện vọng cải tạo đồi trà của Dương Anh thì cô ấy phải làm gì để đạt được kết quả: 1/ Đồi trà sạch và khỏe mạnh. 2/ Tỉ trọng búp tăng. 3/ Giảm công lao động. 4/ Kiểm soát được sâu bệnh mà không cần đến chế phẩm vô cơ.
Tôi đề xuất giải pháp của mình, tôi đã làm trong bốn năm và cho thành quả là những đồi trà khỏe mạnh, không sâu bệnh và tuyệt đối không cần đến phân bón hay thuốc trừ sâu bệnh.
1/ Những việc cần làm đối với cả hai đồi trà





2/ Đối với vườn trà có trồng keo
– Tỉa tán cây keo cho tán cao và thưa dần, truốt toàn bộ phần lá và cành nhỏ của cây keo phủ lại vườn trà, thân to thu hoạch làm các việc khác. Tỉa từ hướng đông sang hướng tây
– Những ngọn trà mọc vượt quá cao (20cm trở lên so với tán trung bình của vườn) phải xén đi.
– Đào bỏ tất cả những cây chết hoặc lụi do bị sâu đục thân thay thế bằng cây khác, hoặc trồng cây họ đậu vào hố vừa đào, tránh để trống đất.
– Cây trà đã bỏ hoang bốn năm nên ta có thể bắt đầu thu hoặch búp lại bình thường, nếu mật độ búp còn quá thưa thì cũng nên hái định kỳ như thu hoạch, không xén và tỉa tán. Tạo tán bằng chính việc thu hoạch búp.
– Tỉa những cành phụ từ gốc của cây trà, làm sao để cho gốc được thông thoáng.
3/ Đối với vườn giữ lại
– Đào các hố bẫy nước (chi tiết kỹ thuật phụ thuộc vào từng dạng đồi, có liên hệ chúng tôi sẽ khảo sát và hướng dẫn).
– Trồng cây phủ đất, có thể sử dụng các loại cây họ đỗ như cốt khí hoặc dùng chính các loại đỗ đậu trồng vào những phần đất trống đang bị phơi nắng. Khi cây lớn thì có thể nhổ hoặc bẻ ngang gốc, phần thân lá phủ lại cho đất, và tiếp tục trồng mới hoặc trồng cây trà mới vào.
– Phủ rơm toàn bộ mặt đất.
– Để cây sinh trưởng tự nhiên, không hái, không tỉa-xén tán trong ít nhất hai năm đầu tính từ thời điểm bắt đầu đưa vào cải tạo.
– Rải vôi bột một lớp mỏng lên toàn bộ mặt đất. Vôi có tác dụng khử trùng, phòng trừ nấm bệnh, bổ sung canxi và kích thích tăng trưởng bộ rễ.
***
Những công việc trên phải làm liên tục không ngừng nghỉ cho tới khi trên đồi trà có được hình thái tự nhiên. Đến được lúc đó, tự nhiên sẽ không phụ công chúng ta, trên đồi tự nó sẽ có được “hệ miễn dịch” đủ khỏe có thể chống chọi được với những cơn “sổ mũi – nhức đầu” hay “gió máy” thông thường mà ta không cần phải quan ngại gì nữa.
Công việc phải làm trên đồi trà của Dương Anh không chỉ đơn giản như vậy nhưng thông qua đồi trà đó tôi mạnh dạn đưa ra đây một mẫu cho việc trồng trà, càng áp dụng được trên nhiều vườn trà, ở nhiều địa hình và chủng loại trà khác nhau sẽ khiến cho việc hoàn thiện mẫu càng nhanh hơn. Vì lẽ đó chúng tôi không từ nan nếu có thể hỗ trợ cho bất kỳ vườn trà nào đang kêu cứu!
Nguyễn Việt Bắc
[Thưởng Trà 015-0604]