Gia đình tôi không phải một gia đình có truyền thống về trà lại càng không phải một gia đình thuộc vùng trà. Cha tôi hay uống “chè khô”, mẹ tôi thì thường trực một tích chè tươi, đấy là tất cả những gì có liên quan đến trà trong gia đình tôi.
Thời niên thiếu, tôi là đứa trẻ ham chơi, hay ngủ, nên mỗi khi mùa thi đến thì việc thức ngủ để học bài là cả một vấn đề lớn, may thay, tôi nhớ, mỗi khi tôi có đụng đến “chén nước chè khô” của cha tôi vào buổi tối thì tôi sẽ “trằn trọc” cả đêm, vì cha tôi uống trà rất đặc, các vị thúc bá trong làng thường bảo cha tôi uống chè “đặc cắm tăm”, đấy là phương thuốc hữu hiệu đối với tôi vào mùa thi những năm cấp hai, uống mãi thành quen, rồi việc lân la bàn trà của cha cũng thành thường nhật. Bước sang những năm học cấp ba, tôi thường xuyên đọc sách hơn, những cuốn sách mang tính “Vang bóng một thời”, riết như vậy, rồi tôi không biết nó ăn vào lối sống của tôi tự bao giờ, tôi bắt đầu thích những ngọn trúc vắt ngang bóng trăng mờ, những bông Quỳnh trễ hẹn, những đêm đầu đá húc ra biển đón nàng trăng non nơi đầu sóng, những tàu Dừa nháo nhác xua đuổi mấy cơn giông đang lùa theo lũ lá khô tội nghiệp, … cứ thế, và tôi đã trở thành “cụ non” như các bạn cấp ba của tôi vẫn gọi. Khi ra Hà Nội đi học, tôi uống trà nhiều hơn, ngày nào cũng uống, trà-nhạc-sách thành bộ ba không thể thiếu trong cuộc sống chật hẹp của tôi nơi đô thị, tôi mơ ước sau này tôi sẽ có một căn phòng riêng hoặc tuyệt vời nhất là có một quán trà nhỏ thôi để làm bạn với ba thứ đó.
Năm 2011, tôi đã mở được phòng trà cho mình, mộc mạc với mấy bộ bàn ghế tre, vài bộ ấm chén, vài chậu cây trang trí, và như vậy những chuyến đi bắt đầu…

Tôi thích uống trà Tân Cương (Thái Nguyên) nên tôi quyết định nơi đầu tiên tôi đặt chân đến để tìm những loại trà tốt là nơi đây, trước khi lên đường, tôi tìm hiểu về vùng trà này qua những tài liệu, tôi biết đến những địa danh là khởi thủy của vùng trà Tân Cương là xóm Guộc, xóm Nam Sơn và xóm Soi Vàng với giống “trà ta”, tôi đã có điểm đến cụ thể và có một loại trà để tìm, tôi hồ hởi lên đường cùng với máy ảnh và hy vọng sẽ chụp được những tấm ảnh thật đẹp về giống trà này, về cảnh lao động trên những vườn trà, và những hình ảnh bà con làm trà với những chiếc chảo gang, mọi thứ hiện lên trong đầu tôi thật đẹp, thật thơ.
NHƯNG !
tới nơi, những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là mấy gốc trà còi cọc sống chen chúc thiếu sức sống nơi sườn đồi, và đi thêm nữa cũng không có gì thay đổi, tôi bắt đầu hỏi, tôi hỏi những người dân về những cây trà ta đang ở nơi đâu ?, vườn trà cổ nhất còn lại ở đâu ?, họ chỉ sang gia đình bà Đức, tôi tìm đến gia đình bà mong thấy những cây trà trăm tuổi cao to và xum xuê, trời ơi, những cái cây cao to mà tôi thấy khi được bà dẫn ra vườn lại không phải là những cây trà mà thay vào đó là những cây Keo, và bên dưới tán lá Keo mới đến những cây trà tôi mong được nhìn tận mắt, cái xum xuê tôi mong lại cũng không phải là tán lá trà mà thay vào đó là một thứ cây dây leo đã xoắn xít thắt lấy cổ cây trà vốn đã rất yếu ớt. Tôi thấy năng lực ngôn ngữ của tôi thật tệ hại, tôi không thể mô tả cảm xúc của mình !.


Ra về, bà chỉ tay về phía một vườn trà ta khác cùng câu nói ám ảnh : “vườn chè này được bốn mươi năm, vụ này không ai mua thì phải nhổ đi trồng Lạc”…
…trĩu nặng
nặng, tiếp tục đi…
Nơi tiếp theo tôi lựa chọn là Suối Giàng (Văn Chấn – Yên Bái), nơi đó có những cây trà cổ thụ trăm năm, những gốc trà hai người ôm và đọt trà phủ kín “tuyết” trắng, thật tuyệt vời khi tôi lần đầu tiên nhìn thấy những cội trà cổ thụ, đúng như những gì tôi nghe, tôi có thể nói, với tôi không cây bonsai nào đẹp hơn được những cội trà đó, tôi mê mải với những cội trà, đó là những cảm xúc đầu tiên ập đến cùng với hình ảnh cây cổ thụ đầu tiên đập vào mắt tôi, và sau đó những thực trạng hiện dần ra theo những bước chân, tôi bắt đầu nhìn thấy những cội trà trơ trọi đang bị lũ mối gặm nhấm ngon lành, nhiều những cội trà như vậy dần hiện lên, không chỉ riêng những cội trà đó, mà ngay cả những cây trà đang sống cũng đầy mối bao quanh, những cây non vài chục năm tuổi chiếm phần đa.
TẠI SAO VẬY ?
Khi cây trà cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng, tưởng đâu nó sẽ có một cuộc sống tốt hơn, nhưng hóa ra bi kịch, họ bắt đầu chăm sóc cho cây, họ vun gốc, bón phân, phát tán, dọn đất, dọn đi những cây tán cao để “nhường” chỗ cho trà sống, đâu ngờ những việc đó đã cướp đi sinh mạng của những cội trà cao tuổi nhất, sau khi trà chết, họ không bỏ đó, những cội trà biến thành thực phẩm ưa thích của Mối, Mối sinh sôi nảy nở, ăn hết cội đã chết thì xông đến cây còn sống, không chỉ có vậy, cây trà mang lại lợi ích kinh tế và họ cứ thỏa sức hái, cứ mọc là hái, hái đến trụi lá trọc cây, sau năm ba vụ cây tiếp tục chết… cứ như vậy tiếp diễn cho đến bây giờ. Và còn nhiều lắm những vấn đề khác nữa…


Sau một ngày lang thang bên những cội trà, tôi lên đường đi tiếp, những hình ảnh, những thực trạng tôi thấy ám ảnh tôi …
… buồn
buồn, tiếp tục đi…
Từ Suối Giàng tôi sang Tà Xùa (Bắc Yên – Sơn La), nghe nói sẽ đi khoảng tám mươi cây số, cũng không xa lắm nên tôi đi khi trời đã sẩm tối, tôi đâu ngờ tám mươi cây số đường rừng núi khi đã tối dù đường đã trải nhựa, nhưng tôi chưa đi bao giờ, tám giờ tối, trời mưa, những cơn mưa rừng thật là lớn, nước tràn dưới bánh xe khiến tôi có cảm giác trôi đi được, những hạt mưa to tạt vào mặt như bụi đá, rát mặt, mù mịt hết cả, đến một ngã ba, không còn biết phải rẽ hướng nào, đứng đợi người qua đường để hỏi, đã ba mươi phút không bóng người, …
Tôi đã đến Tà Xùa, loanh quanh mãi mà chẳng thấy cây cổ thụ nào, hỏi thì thật khó khăn vì bà con nơi đây đại đa số chưa biết tiếng Kinh, họ cứ chỉ ngược rồi lại chỉ xuôi, mình chạy theo hướng họ chỉ, rồi cuối cùng cũng gặp được người có thể hỏi, tôi men theo lối được chỉ đi vào gặp một cụ ông đang ngồi bên gốc cây trà cổ thụ, cây trà nơi đây khác, tươi tốt hơn, nó mọc thẳng, vươn lên trời cao, không như cây trà bên Suối Giàng nó quằn quại cố bám lấy đất. Tôi thấy một cây rất lớn, tôi hỏi người già, ông nói “khi tao còn đi chăn trâu nó đã như thế rồi”, những cội trà nơi đây cho tôi cảm giác đầy sức sống, có một luồng sinh khí chạy suốt sống lưng, cây tiếp theo tôi thấy, trụi lá, không có chồi, là một cây lớn, có thể ví như cây Xà Cừ ở đường Hoàng Diệu mà tôi vẫn thấy nhưng không thấy lá, tôi hỏi vì sao, cụ bảo “người ta chặt xuống cho dễ hái”, trời ơi ….

Người dân Tà Xùa kể lại: ngày xưa trong bản Chung Chinh nhiều cây chè già, năm 1968 đã chặt hết đi, phần là cho nó thấp xuống để dễ hái, phần là nhường đất để canh tác giống cây trồng khác, vậy là cả bản không còn một cây nào. Cả xã Tà Xùa bây giờ còn khoảng bốn trăm cây cổ thụ mà thôi …
Tôi ra về với hình ảnh phảng phất trong đầu, cả một bản làng dưới gốc những cây trà cổ, giờ tráng nắng…
… đau đớn
đau đớn, tiếp tục đi…
Trên đường về, tôi đi ngang qua Phú Thọ vào khoảng trưa, đi qua những đồi trà bạt ngàn, hút mắt, thẳng tắp tới tận chân trời phía xa, đẹp vô cùng, …, bao quanh tôi là một thứ không khí nặng nề, ngột ngạt, sực nức mùi thuốc sâu…
Về tới Hà Nội, sau một chuyến đi, tôi nghĩ …
… PHẢI LÀM THÔI, một điều gì đó, chưa định hình, tôi sẽ bắt đầu với cây trà ta, khôi phục và định danh cho nó, BẠCH HẠC, tôi phải khôi phục và mang nó trở lại với người yêu trà Việt Nam.
… Tiếp tục, Đường Trà còn dài …
Nguyễn Việt Bắc