Mẹ tôi sinh ra ở một làng hoa cổ, có từ thời Lý. Trong gia phả ghi lại, thế kỷ XVII, cụ tổ vâng lệnh vua đi từ Thanh Hóa ra kinh thành Thăng Long để nhậm chức quan gì đó.
Ban đầu, cụ lập nghiệp ở Nhân Chính, về sau dời đến Nam Đồng. Tới Khán Xuân thì đã được vài đời. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp lấy khu đất trang trại của cụ để xây dựng Phủ Toàn quyền nên cụ đành đem cả gia đình vào làng Ngọc Hà sống bằng nghề trồng hoa.
Có đất, có nghề nên gia đình cụ gần như sống theo kiểu tự cung tự cấp. Thóc gạo lấy từ phát canh thu tô, tự trồng rau ăn, đàn bà tự may quần áo mặc, tự ướp chè, nụ vối để uống quanh năm.
Nhà có gia nhân nhưng con gái vẫn phải làm việc giống như họ. Tức là quá nửa đêm dậy hái hoa để sáng ra đưa đi bán. Cụ cấm con gái học đàn vì sợ hư thân. Cấm đeo trang sức trên người vì gần những thứ xa xỉ, lòng người dễ sinh tham lam, hư hỏng.
Sợ phụ nữ ham xa xỉ, phù phiếm mất đi cái sang nên mẹ tôi cả đời không biết đến cái nhẫn vàng, một phần do thời của mẹ quá nghèo, phần nữa mẹ hoàn toàn không màng những thứ đó.
Lúc tôi còn bé, mẹ không kể gì nhiều chuyện các cụ dạy dỗ mẹ như thế nào nhưng cái nết ấy tự nó tồn tại ở chị em tôi. Đến giờ, dù đã có thể mua cho mình vài đồ trang sức nhưng không hiểu sao tôi không thích những thứ đó một cách rất tự nhiên…
Còn nhớ ngày bé, khóc lên khóc xuống mỗi khi bị mẹ “hành”. Nào là con gái phải gọn gàng. Không được cười ngoác miệng, nói to. Ăn uống phải ngậm miệng, chớ có nhai tóp tép. Khi đi đứng phải từ tốn, chậm rãi, không được bước chân mạnh, hai tay tung tẩy. Pha ly nước chanh mời khách mà còn để tép và hạt chanh rơi trong ly thì phải làm lại. Bữa cơm mời khách dù chỉ rau cà nhưng đĩa rau luộc phải xanh và những ngọn rau gắp vào đĩa cấm xô lệch… Nhiều lần đã bê mâm cơm ra mời khách, tôi lại phải bê vào để sắp đặt lại cho mẹ vừa ý, dù ấm ức mà vẫn phải làm theo. Chị tôi đã có lần bật khóc vì bị mẹ “lên lớp” về cái tội ngủ trưa tốc áo hở cả bụng. Căn nhà chật chội nhét đủ bốn con cả trai lẫn gái và bố mẹ nên mẹ không cho mặc áo ba lỗ ở nhà. Mẹ bảo nhà có hai đàn ông, dù là bố và anh thì cũng phải ý tứ… Cơ man là những quy định bất thành văn phải tuân thủ, mãi thì ngấm vào người thành nết ăn ở của con cháu sau này.
Tôi nhớ nhất bàn trà của cha mẹ. Mẹ hay ngồi đó uống trà và thưởng hoa. Bố tôi trồng mấy chậu địa lan và mỗi lần đơm bông lại bê vào gần hiên nhà để có thể ngắm nhìn và thưởng thức cái mùi thơm ngan ngát. Bố được thừa hưởng thú chơi hoa và cây cảnh từ ông ngoại vốn là người sành hoa, nhất là thủy tiên. Ông tỉa củ thủy tiên khéo đến nỗi bao giờ cũng đơm hoa đúng giao thừa.
Lúc nhỏ, mẹ là con út, được ông ngoại cưng chiều nên hay cho ngồi uống trà cùng, thưởng hoa vào buổi tà dương để nói chuyện nhà, đọc thơ. Nếp thưởng trà đó mẹ duy trì cho đến khi lìa đời. Mẹ lên cơn nhồi máu cơ tim ngay bên bàn trà…
Suốt mấy chục năm, bố mẹ tôi pha trà, uống trà và đọc thơ cho nhau nghe quanh cái bàn trà cũ kỹ ấy. Mẹ tôi yêu thơ Đường và có giọng đọc buồn bã rất mê hoặc. Bố có lúc đùa bảo mẹ đừng đọc thơ vì giọng mẹ buồn quá mà ông thì lại thích vui vẻ. Anh chị em tôi lớn lên trong tiếng ru và giọng đọc thơ của mẹ. Mẹ bảo cuộc sống có thể thiếu nhiều thứ nhưng không thể thiếu sách và thơ.
Tủ sách là tài sản duy nhất mẹ viết trong di chúc để lại cho tôi ngoài gian nhà thừa kế của ông ngoại. Sau này mẹ viết trong di chúc dặn các con về đạo làm người bằng câu nói của V. A. Sukhomlinskij: “Chỉ người nào biết yêu thương mới trở thành rộng rãi. Cái chủ yếu nhất mà những của cải trên xứ sở chúng ta không thể sánh nổi đó là sự giàu có về tinh thần, trí tuệ, kiến thức, sự thông minh, tài năng, sáng tạo, tình bạn và tình yêu chung thủy với con người. Hãy học để có được sự giàu có ấy. Tính keo kiệt làm cho con người nghèo đi, trở thành ích kỷ và vụ lợi. Của cải tồn tại để phục vụ con người chứ không phải nô dịch con người”…
Mẹ mất. Bố độc ẩm vào những buổi sáng-tối thêm 14 năm nữa. Cứ vào một ngày nhất định trong tuần, có chừng hơn 10 bạn thơ đến nhà chơi và làm thành tao đàn quanh bàn trà.
Những gương mặt già thơ tới an trú trong cõi tĩnh lặng của thi nhân, thi ca, của trà và hoa, không vướng bận chuyện thế sự. Bố đọc lại những vần thơ ngày trước mẹ hay đọc. Giọng bố không ngân nga như mẹ nhưng bao giờ cũng có một câu bình hóm hỉnh kèm theo để bạn bè cùng vui cười…
Sau khi mẹ ra đi, mấy chậu địa lan cũng đi theo, còn lại vài chậu bố cố công chăm bón, không giao cho các con vì chẳng ai yêu hoa như bố. Rồi bố đã vụt bay lên ngoạn mục trong tiếng cười hài hước vốn có. Ấm trà sáng đó cũng đã được bố dùng hết một mình…
Mẹ nuối tiếc một điều chưa làm được là muốn vào chùa ở mấy năm cuối đời. Và mẹ biết cách biến bàn trà thành một góc nhỏ như nơi cửa Phật để hằng ngày tu tâm, tích đức.
Tâm nguyện của mẹ là mong con cháu hãy cố lưu giữ, tạo dựng một bàn trà như thế ở trong mỗi nhà. Ô, hóa ra gia đạo, nếp nhà được hình thành từ những điều nhỏ nhặt dường như mơ hồ ấy…!
Thùy Linh