TRÀ .. bạch hạc

Theo chuyện kể, cái tên Bạch Hạc lần đầu được xướng lên cho một loại trà trồng ở Tân Cương (Thái Nguyên) và chế biến bởi đôi bàn tay của bà con nơi đây là vào khoảng những năm 1920-130, thời gian này rơi vào quãng cây trà mới được ông Đội Năm mang từ Bạch Hạc (Phú Thọ) về trồng tại Tân Cương theo sáng kiến của cụ Nghè Nguyễn Đình Tuân (tỉnh trưởng Thái Nguyên lúc bấy giờ). Cũng như chúng ta gọi tên “trà Thái” cho trà xuất phát từ Thái Nguyên vậy, có lẽ bà con gọi tên Bạch Hạc là để chỉ dấu giống trà xuất phát từ nơi đó mà về Tân Cương, cho tới khi ông Đội Năm chính thức đặt tên trà là Cánh Hạc (có ý kiến khác là Con Hạc), rồi tiếp diễn thế nào không ai hay, nhưng cho tới bây giờ, giống trà ấy được bà con Tân Cương gọi tên “chè ta”.

Năm 2011, lần đầu tôi tới Tân Cương bởi trà sự của mình, cố công tìm kiếm những cây trà còn bỏ lại bởi ông Đội Năm, giống trà xưa còn đó, nhưng đều là hậu duệ cả, lác đác một số cây chừng 70-80 năm có thể coi là cùng lứa với những cây trà đầu tiên do ông Đội trồng, nhưng chúng đang có cuộc sống cơ cực, được giữ lại cũng bởi chút tình với người đã khuất, chứ chẳng do thấy giống trà ấy quý giá gì, những vườn trà chừng 40 năm trở lại thì gốc đã phơi trắng trên vườn, dưới cái nắng cháy da đã trắng hết cả, chỉ còn lại chút bụi đất bám lại trên những rễ dài nhẽ ra hẵng còn an lành dưới đất bên những mạch nước mắt nàng Công.

Những giống trà lai với sản lượng cao hơn dần được bà con nơi đây lựa chọn thay thế cho cây “chè ta”, thay thế cho giống cây đã tạo nên danh tiếng Tân Cương, nó đã khiến cả nước biết đến trà Tân Cương như đệ nhất danh trà của Việt Nam vậy, và danh tiếng đó chưa hẳn đã là dĩ vãng, chỉ là “chè ta” ít búp, khó chăm, khó làm. Tựu lại là do khó tính mà thành, nhưng có gì hay lại dễ đâu kia chứ !. Thế mà giờ này chúng đang phải chui rúc nơi đâu, dưới những tán keo, trong những bụi bòng bong, hay chôn vùi cội gốc đã mục rỗng thân thể khi dưới mặt đất vẫn còn chút hơi tàn mong sống nốt những ngày khốn khó.

Đấy là những gì tôi chứng kiến, và tạo nên nhịp thổn thức trong trái tim, trái tim thổn thức ấy xúi giục thằng óc phải làm một điều gì, óc đồng thanh “phải làm một việc gì đấy !”, nhưng chúng vẫn chưa kịp thống nhất là việc gì khi cái giá thể thịt đã mang nó về tới Hà thành.

Nhiều ngày trôi qua, nhiều đêm trằn trọc, chúng thống nhất sẽ làm trà Bạch Hạc với tư duy mới và sự nhìn nhận giá trị cây “chè ta” một cách sòng phẳng hơn.

ghi


2022 ..

2021 .. làm tốt lên & vui hơn
bạch hạc đã 10 tuổi rồi, phải trưởng thành hơn.
còn nhiều việc phải làm với mơ ước Bạch Hạc trở thành biểu tượng cho cây “chè ta” của Tân Cương. từ 2014 đã thử nghiệm phương pháp chế biến mới, đạt được thành quả tuyệt vời, khiến những ai đã uống đều nhớ tới giờ, rồi gián đoạn bởi sự say mê của người làm chưa đủ để cặn kẽ trong việc trồng và chế biến thức trà này.
nay đã gặp được nhân duyên cho Bạch Hạc có thể tiếp tục trưởng thành.
.. thử nghiệm công thức chế biến mới
.. phát triển vườn ‘hữu cơ’ như hiện tại thành ‘vườn sinh thái’ (phương pháp này tôi đã xây dựng và ứng dụng thành công trên một số đối tượng vườn trên núi và vườn trung du).

  • 10/6 ..
    thử nghiệm cách chế biến mới, trên đối tượng búp thu hái từ cây nguyên liệu Lễ chăm sóc đã được một năm. nguyên liệu được lọc lựa kỹ lưỡng, loại bỏ từng tí ti thành phần nguyên liệu không đạt, thay đổi các điều kiện chế biến .. thu hái, làm héo, vò, sao, đánh hương. kết quả đạt được thật tuyệt, một thức trà trong vắt (nước trà tân cương chưa bao giờ trong đến thế), màu xanh lục rạng ngời như có thứ ánh sáng tốt lành phát ra từ đáy chén, vị trà tươi tắn, hoàn toàn không còn cái ‘nhựa nhựa’ vốn có của trà tân cương nữa.

2020 .. mong muốn phát triển
Lễ người tân cương tìm gặp, cậu ấy là người nhiệt thành với nghề, nhiệt tâm với cây “chè ta”, đây là một duyên lành, Lễ muốn làm những thức trà mới, muốn chăm sóc cây trà một cách tử tế, muốn giữ những cây “chè ta”.
cùng Lễ thực hiện nhiều chuyến khảo sát vườn, nhìn thấy lòng trắc ẩn của cậu ấy với cây “chè ta”, nhìn thấy ánh mắt sáng ngời của cậu ấy khi đứng bên lồng tôn chăm chú nhìn về phía những cánh trà đang bị quay tít trong lồng.
rõ ràng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cơ hội để hoàn thiện quy trình ‘trong mơ’ của mình về trà Bạch Hạc. hoàn thiện ‘vườn sinh thái’ cây “chè ta”. phát triển công thức chế biến mới trên đối tượng nguyên liệu cây “chè ta”.

2017 .. trả lại tên
trà mình làm, tên mình đặt, sao lại bỏ .. Bạch Hạc trở lại thay thế Long Đậu.

2015 .. đổi tên
Bạch Hạc xuất hiện rộng hơn, danh tiếng lớn hơn, bị “mượn” nhiều hơn, nhiều cơ sở cứ nghiễm nhiên dùng và bán trà Bạch Hạc không phải từ Thưởng Trà quán. rất bực với chuyện này, quyết định đổi tên thành Long Đậu.

2013 .. định danh, mạo danh
Bạch Hạc khẳng định được vị trí của mình trong lòng những trà khách khó tính, tên tuổi bắt đầu được nhắc đến bởi các báo chí, truyền hình, trà dần xuất hiện và được ca tụng trên các bàn trà đáng kính, và … cái tên bắt đầu bị “mượn không cần hỏi”.

2012 .. cải tiến
bước đầu hiểu chuyện củi lửa, hiểu từng thành phần nguyên liệu sẽ thay đổi ra sao trong quá trình sao chế.
Những ngày rong ruổi thuyết phục các gia đình giữ lại cây trà, giữ lại vườn và cải tạo nó, uy tín không đủ, tuổi nghề non trẻ, không thuyết phục được ai.
Nghĩ cách khác, thay vì làm việc một cách chính danh với trà hộ, tôi lựa chọn cách thay đổi dần dần, mỗi mẻ trà được làm mới lại thay đổi một chút, từ chăm sóc đến chế biến, từng chút một, thay đổi điều kiện và phương pháp, trà tốt dần lên, giá bán cao hơn.

2011 .. tiếp cận
một năm sau Tòng Sự Nghệ Trà, nhờ chăm nghe, chăm đi, chăm đọc mà cũng biết qua đôi chút, nhưng chế biến vẫn là câu chuyện xa vời, thế nên chưa thể tự làm gì cả, thôi thì đi buôn trước vậy, kể từ ngày ấy, tên Bạch Hạc được đặt cho trà được chế biến từ búp cây “chè ta” bằng phương pháp và bởi đôi bàn tay của những người con Tân Cương, thông qua cậu em người Phổ Yên (Thái Nguyên) tên Khánh, chủ nhà Trà Phong.
suốt năm này dành để ..
quan sát .. trồng, chăm, hái, sao .. trà
truy khảo lịch sử .. vùng, cây, phương pháp chế biến
nghiên cứu .. cây, đất, thời tiết, …
.. tóm lại tất cả những gì sẽ góp phần hình thành một chén trà Bạch Hạc đều được đặt ra một cách cặn kẽ.

2010 .. manh nha về BẠCH HẠC

Từ một gã chưa biết gì về trà dưới phương diện nghề, tuy uống “chè ta” cũng 20 năm trước khi theo nó, nhưng nói biết thì e sẽ là tự đại, dù đã đọc sách, hoặc được chơi và trò chuyện với những người có hiểu biết cũng như thẩm mỹ về thức uống này.
Nay chọn nghề trà, sẽ bắt đầu từ cây “chè ta”, thức trà đã uống gần 20 năm tới giờ.

.. BẮC ĐỖ

6 comments

  1. Tháng 6 năm 2011, tôi và một người bạn lên Tân Cương chơi. Vào nhà một người dân xin nước giếng để rửa mặt, ngồi nói chuyện vì bạn tôi là bác sỹ nên đã hướng dẫn một số điều cho con chị chủ nhà đang bị bệnh. Thấy đằng sau nhà có vườn chè (nhà trên đồi) liền xin chị vài cành chè để hãm nước uống, khi lấy cành hãm phải có đủ bốn loại: búp, lá non, lá trung và lá già, theo như chị giải thích thì lá non, búp để lấy hương, lá già lấy vị chát, la trung lấy độ ngọt. Đặc biêt, khi hãm với nước giếng của Tân Cương (giếng nhà chủ) thì nước chè rất ngon, mới đầu hơi đắng, sau ngọt trong họng rất sâu, lâu, đặc biệt là rất thơm và nước trong màu cốm. Về đến nhà, mang theo lá chè và mua trà nơi đây nhưng không còn được cái hương vị khi uống ở đó. Có lẽ quan trọng nhất là nguồn nước, đúng như các cụ dạy: Nhất thuỷ, nhì trà…

    Thích

    1. Cảm ơn Chengtai đã gửi Tham Luận!
      Bạn có thể để lại cho chúng tôi địa chỉ, chúng tôi sẽ gửi vào cho bạn, chúng tôi vẫn gửi vào TP và Huế với một số tỉnh Miền Trung và Miền Nam bạn ạ.
      Trân Trọng!

      Thích

  2. Chè tuỳ vào tay người làm mà có hương khác nhau. Nếu đúng độ lửa chè sẽ có hương hoa, già lửa hơn một chút sẽ chuyển sang hương cốm. Người sành chè sẽ thích chè hương hoa, tuy nhiên loại này thường nhanh bị xuống mùi. Chè hương cốm giữ được hương vị lâu hơn.

    Thích

  3. Vào buổi trưa hôm nay. Mình đã được đến tận nơi Quán thưởng trà và rất vinh dự được anh Bắc chủ quán tiếp chuyện. Và còn được mời ấm trà bạch hạc. Phải nói như người trong mộng bước ra cùng với hương vị từ trà Bạch Hạc. Hôm nay cũng hết sức cảm ơn anh Chủ tiệm “Bắc” đã chia sẻ nhiều điều về Trà. Và hẹn sẽ tới nhiều để có thêm sự hiểu biết về trà.
    Trân Trọng.!

    Thích

  4. Bài viết của Việt Bắc cung cấp thông tin thật bổ ích – rõ ràng, dễ hiểu.
    Cảm ơn bạn về bài viết và chất lượng trà của thuongtra.org mà Người ham chơi có cơ hội được thưởng qua.
    Tuyệt diệu.

    Vì tương lai cho Trà Việt Nam, cố gắng lên người trẻ tài hoa nhé.

    Thích

Đã đóng bình luận.

%d người thích bài này: