Người thành lập xã Tân Cương
Nguyễn Đình Tuân
(chữ Hán: 阮廷詢; 1867-1941; thường gọi là ông Nghè Sổ)
Người xã Trâu Lỗ, tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), đỗ Đình nguyên khoa thi năm Tân Sửu 1901 thời Nguyễn. Làng Trâu Lỗ có ba tên gọi từ xưa tới nay: làng Sổ, Trâu Lỗ và Ba Lỗ.

Thân sinh ra ông là cụ Nguyễn Đình Khiêm, một nhà nho nghèo, đỗ tú tài, đứng thứ hai khoa thi Hương năm Giáp Tý 1864. Cụ Khiêm là một bậc nho học uyên thâm ngạch trực, nhân hậu, liêm khiết.
Từ thuở thiếu thời đến khi trưởng thành rồi trí sỹ, cuộc đời Nguyễn Đình Tuân đều gắn bó với quê cha đất tổ làng Trâu Lỗ. Còn nơi chôn rau cắt rốn lại ở làng Thù Sơn có tên Nôm là làng Thùa, nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa. Cũng vì sinh ra ở làng Thùa nên cụ Tú Khiêm đã đặt tên con trai mình là Thùa với ý nguyện giữ mãi kỷ niệm nơi ông mở trường dạy học.
Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là thông minh dĩnh ngộ và rất giỏi thơ. Năng khiếu bẩm sinh cùng sự kèm cặp nghiêm khắc theo khuôn phép đạo Khổng của người cha đã chắp cánh cho sự nghiệp văn chương của ông sớm hanh thông và thành đạt. Có thể nói, với 75 tuổi đời, ông đã ngót 70 tuổi thơ. Năm 6 tuổi học thuộc Tam Tự Kinh trong 18 ngày. Năm 16 tuổi thi Hạch phủ, đỗ thứ hai trong 96 người. Do vậy ông nổi tiếng thần đồng. Năm 18 tuổi ông đi dạy học, làm gia sư. Năm Đinh Dậu 1897, ông đi thi Hương đỗ Cử nhân, đạt điểm cao nhất trong số 10 người của xứ Kinh Bắc. Năm 35 tuổi ông đi thi Hội tại Kinh đô Huế. Khoa thi năm Tân Sửu (1901) cả nước có 9 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông đỗ đầu – Đình nguyên (nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên). Danh sách 9 người đỗ ghi trong Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái năm thứ 13 (1901) đặt trong khu Văn Khánh thuộc cố đô Huế.
Theo lệ xưa, những tiến sĩ tân khoa, khi vào chơi vườn thượng uyển mỗi người được hái một bông hoa mà mình ưa thích. Ai hái bông nào, vua sẽ cho đánh bằng vàng to đúng bằng bông hoa thật để tặng cho vị đó. Hầu hết các vị tiến sĩ đều hái những bông hoa to: hồng, cúc đại đóa … Có vị còn hái cả hoa dâm bụt. Riêng Nguyễn Đình Tuân chỉ hái bông hoa mai. Điều đó đã nói lên cốt cách cao quý của ông, vì hoa mai là biểu tượng của các bậc quân tử.
Cuộc đời làm quan của ông Nghè Sổ cũng nhiều phen lên bổng xuống trầm và chủ yếu là làm học quan. Đỗ đạt vinh quy, ông không muốn đi vào nghiệp hoạn lộ. Mãi sau hai năm thi đỗ, tức năm 1903, ông mới chịu nhậm chức Tri huyện Việt Yên và nổi tiếng là một ông quan thanh liêm. Chưa đầy hai năm làm Tri huyện, ông xin cáo quan về nghỉ vì mâu thuẫn với viên Đại lý người Pháp (một chức quan dưới Công sứ, phụ trách một vùng vài phủ huyện). Một năm sau, ông lại nhận được chỉ đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái. Sau đó lại được đổi về làm Đốc học tỉnh Ninh Bình, rồi Đốc học trường Quy Thức, Hà Nội. Do ông giao du, kết bạn với các nhân sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục như Nguyễn Thượng Hiền, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Quyền, Ngô Đức Kế nên khi trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp thì trường Quy Thức cũng bị giải tán. Ông Nghè Sổ lại về làm Đốc học tỉnh Ninh Bình, sau đó đổi ra làm Đốc học tỉnh Hà Đông ngót 10 năm.
Từ khi làm giáo thụ tỉnh Yên Bái rồi làm Đốc học nhiều tỉnh trong nhiều năm liền, ông Nghè Sổ nổi tiếng là thầy hay chữ, có nhiều học trò đỗ đạt, đồng thời cũng nổi tiếng là người đức độ, vừa nghiêm khắc vừa khoan hòa, nhất là không kết thân với Pháp, không biết chiều theo ý quan trên (câu ghi trong gia phả), lúc nào cũng giữ vững nhân cách thanh cao của một nhà nho chân chính. Ông luôn cố gắng tận tâm cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài, xứng đáng với vị trí của một người thầy mẫu mực.
Thời gian làm Đốc học Hà Đông ông bị cái vạ thủ bò – thủ bò chi họa. Năm 1910 gặp kỳ thu tế Đức Khổng Tử, nhận được giấy sức của Bộ Lễ, Nguyễn Đình Tuân thông sức cho văn hội của mình đến tế tại Văn Miếu. Tế xong, hội bàn chia phần, có người nêu ý kiến đặt cái đầu bò thui lên hương án sơn son thiếp vàng, rồi che lọng khiêng đến biếu quan Tổng đốc gọi là lộc thánh. Cụ Tuân nghe theo, viên Tổng đốc nhận lễ rất hài lòng. Nhưng sau đó vài ngày ở cổng trường học của Nguyễn Đình Tuân xuất hiện một bài thơ Vịnh thủ bò ghi rõ nhờ gửi đến quan Tổng đốc. Nội dung bài thơ: Ơn nhờ cha mẹ được làm to, Văn chương chữ nghĩa dốt như bò, Thôi thôi thu xếp về đi chứ, Ở lại làm chi chúng chửi cho. Bài thơ lan truyền nhanh đến tai Tổng đốc, viên Tổng đốc cay cú lắm chờ dịp trả thù. Đầu năm sau nhân kỳ thăng thưởng, Thống đốc vui vẻ báo tin cho Nguyễn Đình Tuân: Phủ Thống sứ đặc cách cử quan lớn lên làm Án sát tỉnh Cao Bằng. Lên Cao Bằng được 3 tháng, ngán ngẩm về thói đời nhỏ nhen và để tránh hậu họa ông đã cáo bệnh từ quan về làng dạy học và bốc thuốc.
Sau một thời gian cáo quan về quê bốc thuốc, dạy học ông lại nhận được chỉ đi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh. Ở Bắc Ninh được thời gian ngắn, ông lại bị đổi lên làm Án sát tỉnh Thái Nguyên, sau đó kiêm chức Tuần phủ Thái Nguyên cho đến ngày về hưu.
Sự nghiệp văn chương
Đương thời ông sáng tác nhiều thơ văn, soạn nhiều văn bia, câu đối cho các địa phương nơi mình cư quan nhậm chức nhưng đến nay bị thất lạc nhiều. Di văn của ông, hiện tồn tại trên các di tích nơi ông từng qua thăm viếng. Thơ ông chủ yếu là những bài mừng tặng, thăm hỏi thân nhân bằng hữu, ca tụng cảnh trí thiên nhiên mỹ lệ.
Tác phẩm đồ sộ nhất ông để lại cho hậu thế là bộ sử mang tên Đại Nam quốc sử cải lương bao gồm gần 800 trang chữ Hán, ghi lại lịch sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến đầu thế kỷ 20. Sách chưa được dịch ra tiếng Việt [1], nhưng được các học giả đánh giá cao về giá trị của một bộ sử được biên soạn cuối cùng dưới thời phong kiến. Hậu duệ của ông nên tổ chức dịch và xuất bản bộ sử rất có giá trị này.
Một tác phẩm nổi tiếng khác của Nguyễn Đình Tuân là bài Văn sách thi Đình [2], nội dung trả lời vua về việc cai trị thiên hạ, đưa ra nhiều kế sách cho các bậc đế vương trị nước và cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực của xã hội đương thời. Lời đối sách khá dài, đề cập đến nhiều lĩnh vực của xã hội, sau đây là một vài trích đoạn:
“Dám thưa! Kẻ bề tôi từng nghe dùng hình phạt với dân và vẫn ẩn chứa điều thiện, dùng văn trị lại thuận theo thời thế để thi hành cho phù hợp là cách cai trị của các bậc thánh vương đời trước. Trộm nghĩ, bậc thánh vương phải tùy thời mà trị dân, nhưng cũng chỉ có hai vấn đề cốt yếu là dùng Hình luật và Giáo hóa. Ôi! cái nghĩa của chữ tùy thời lớn lao làm sao. Các bậc thánh vương nhân thời thế, thời cuộc mà định ra chính sách. Thiên hạ không công bằng thì lấy Hình luật mà làm cho cân bằng khoảng cách thấp cao. Phong tục chưa tốt thì giáo hóa để ngày thêm thuần hậu. Phàm xem xét việc định ra kế trị nước và thi hành đạo trị nước, tất yếu phải biết tùy nghi, khéo léo ứng xử theo thời thế. Xét về kinh điển, có câu rằng: Phải quan sát tình hình dân chúng mà thiết định phương pháp giáo hóa. Về cách thức làm người trị nước, sách truyện có câu: Lãnh đạo dân chúng, phải công bằng về pháp luật. Trong việc giáo hóa dân chúng, phải xem xét thiên hạ, biết được sự đổi thay của xã hội, từ đó hiểu được đời sống của dân chúng rồi đặt ra sự giáo hóa … Làm được như vậy thì dân chúng sẽ nghiêm cẩn mà có lòng tin, pháp luật sẽ bồi bổ cho việc trị nước. Làm chính sự mà lấy đạo để thi hành, bình đẳng về pháp luật thì dân chúng tránh được tội lỗi mà hiểu rõ được lễ nghĩa, liêm sỉ …
Hình luật là để đất nước bình yên … việc hưng thịnh hay rối loạn của đất nước đều ở tay người cầm quyền. Hình luật có chỗ khác nhau, quyền là do tình thế mà giữ cho cân. Nước tràn, lửa cháy có cách xử lý của nó. Cho nên dùng đức để cai trị, không câu nệ, không thiên lệch, thì cái đẹp của đức ấy tự làm cho xã hội không sinh ra cái tệ bè đảng …
Dựng nhà học, lại mời các danh nho đến dạy, thì dù không có phép tắc thời Tam đại, người ta vẫn kéo đến học một cách đông đảo, nhàn nhã. Thành tựu của sự học là đáng quý lắm. Sở dĩ đạo trị nước cần đề cao sự học cũng bởi nó làm cái gốc của thiên hạ thái bình vậy …”
Khải Định Quý Hợi hạ (1923) Nguyễn Đình Tuân có làm bài thơ Tự cổ danh sơn tú ghi trên bức hoành phi treo ở Đền IA, huyện Hiệp Hòa, ca ngợi công đức của Thánh Hùng Linh Công được thờ trong Đền.
Phiên âm
Tự cổ danh sơn tú,
Anh chung cái thế hào,
Việt Nam hồng hữu duệ,
Giang Bắc nhạn vô sào,
Kiến tiết hùng đãng trọng,
Bình tàn vũ lược cao,
Thiên thu hoàn tụ xứ,
Trường thử úy quần cao.
Dưới bài thơ ông tự ghi danh
Tân Sửu Đình nguyên Bắc Ninh Án sát Trâu giang Hữu mai Nguyễn Đình Nguyên bái đề.
Dịch thơ [3]:
Chùa cổ tô núi thắm
Danh thơm rạng công hầu
Việt Nam hồng đắp tổ
Giang Bắc nhạn về đâu
Dựng nước ngời văn hiến
Diệt thù tỏ tài cao
Ngàn năm miền hội tụ
Vạn thuở nghiệp anh hào
Làng Sổ có Đền Sổ được nhà nước cấp bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1964, năm 1674 triều đại Lê Gia Tông đã có sắc phong cho ngôi đền. Trong đền trên cửa cung cấm, trước hậu cung treo bức đại tự do Nguyễn Đình Tuân cung tiến vào năm 1923 đề 4 chữ Hán Hệ xuất thần minh (nghĩa là các thế hệ nối tiếp noi gương sáng của thần) để ca ngợi công lao và khí tiết của Đức Thánh Tam giang – Trương Hống, Trương Hát.
Thành lập xã Tân Cương
Trước kia Tân Cương là một vùng rừng núi hoang vu. Năm 1919 có 11 lính chào mào giải ngũ, phần lớn là người gốc Nam Định, Thái Bình nhưng không có ruộng đất, không có điều kiện về quê sinh sống nên được Pháp cho vào ở vùng Tân Cương khai khẩn kiếm kế sinh nhai.

Rồi một số người dân, trong đó có cả một số nhà nho bị nạn cường hào truy bức hoặc dính dáng tới cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật không thể sống ở quê vùng xuôi, đã trốn tránh phiêu bạt lên vùng này và vào vùng Tân Cương dựng lán làm nhà. Năm 1921, vùng Tân Cương đã có vài chục nóc nhà trong đó có những ông đồ như cụ đồ Hai, cụ đồ Nhĩ. Là những nhà nho nên các cụ được ông Nghè kết bạn mặc dù danh phận, ông Nghè Tuân là Tuần Vũ, chức quan đứng đầu một tỉnh. Ngày nay, con cháu cụ đồ Nhĩ nhớ lại rằng lúc nhỏ tuổi đã thấy ông Nghè về chơi với cụ đồ và nhiều lần cho lính về rước mấy cụ ở Tân Cương lên dinh Tuần phủ uống rượu đánh cờ.
Do không muốn bị phụ thuộc và cũng do khoảng cách khá xa với các xã lân cận nên dân Tân Cương xin với ông Nghè cho lập ra một xã riêng, cũng có nghĩa là lập ra một đơn vị hành chính mới. Ông Nghè chuẩn y, cho tiến hành các thủ tục thành lập xã mới và ông đặt tên xã là Tân Cương. Sau khi xã được thành lập, nhân dân Tân Cương mời ông Nghè Sổ về cắm hướng đình. Ngày 10-2 năm Nhâm Tuất 1922, ông Nghè về cắm hướng đình và đình được chính thức khởi công xây dựng, hơn một năm sau thì xong và ông Nghè Sổ được dân suy tôn và thờ làm Thành hoàng sống. Ngày khánh thành đình, ông Nghè không về được nhưng cho lính khiêng hoành phi câu đối về tặng. Điều đáng ngạc nhiên là cách nay bảy tám chục năm mà hoành phi câu đối của ông Nghè tặng cho đình Tân Cương có nội dung rất mới.
Do đình bị phá năm 1947 khi Pháp nhảy dù tấn công Việt Bắc, nên bức hoành phi câu đối khảm xà cừ treo giữa đình không còn nữa, nhưng ngày nay các cụ già ở Tân Cương còn nhớ rất rõ nội dung. Tấm hoành phi đặt giữa đình có ba chữ Đại thắng lợi và đôi câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm: Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thuở, Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên. Điều đáng khâm phục là nội dung câu đối này ngày nay vẫn rất phù hợp.
Lễ tế đình, tức là Thành hoàng mà Thành hoàng còn sống cũng rất đặc biệt. Trên bàn thờ Thành hoàng có đủ ngai thờ, bài vị và ảnh phóng đại của ông Nghè Sổ mặc dù ông còn sống, và khi tế xong thì đem phần tế lên dinh Tuần phủ biếu ông Nghè. Mấy năm sau, ông Nghè hưu trí về sống ở quê, hàng năm xã Tân Cương vẫn cử người đi chúc Tết và đem phần tế đến quê ông Nghè [4]. Huyện Hiệp Hòa có hai danh nhân được dân dựng Đình và Đền thờ cúng lúc còn sống, đó là Nguyễn Đình Tuân và Hùng Linh Công sống ở đời Hùng Vương thứ 6, thật là một sự việc hiếm có.
Khai sinh làng trà
Theo kể lại .. vùng Tân Cương ngày ấy đồi núi mênh mang, hoang vu rậm rạp, đêm đêm nghe tiếng nai tác hổ gầm, rồi chuyện hổ về bắt trâu, bắt lợn xảy ra như cơm bữa. Đây là vùng bán sơn địa, sơn nhiều địa ít, dân khai phá nương rẫy, gieo lúa trồng khoai vất vả, làm nhiều ăn ít, lắm khi mấy tháng liền không thấy hạt gạo, chỉ toàn khoai sắn.
Thấy vậy, ông Nghè Sổ có sáng kiến đem giống trà về trồng để dân có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, cụ Vũ Văn Hiệt cùng một số trai tráng và mấy người lính của ông Nghè, lặn lội lên Phú Thọ để xin giống trà. Trong tự truyện của ông Nghè có kể .. lúc đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái có qua thăm và nghỉ nhà ông Cử Đoàn ở Phú Thọ, vốn là bạn đồng khoa thi Hương. Vì thế mà ông Nghè biết giá trị của cây trà nên đã cử người Tân Cương tới gặp bạn xin giống. Nhưng cây trà từ Phú Thọ đem về Tân Cương thì khác hẳn, đó là hương vị không nơi nào có được, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và con người Tân Cương đã tạo nên kỳ tích. Năm 1925, Tân Cương đã được thu hoạch lứa đầu và còn gọi tên Bạch Hạc, có lẽ do lấy cây giống từ Bạch Hạc (Phú Thọ).
Đối với Tân Cương, ông Nghè Sổ là Thành hoàng làng, người khai lập xã, cắm hướng đình, ông cũng như vị tổ nghề trà Tân Cương.
Người tạo dựng làng trà
Cụ Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt sinh năm 1883, mất năm Ất Dậu (1945) quê xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, do giỏi nghề cơ khí nên thực dân Pháp đã tuyển vào làm Đội trưởng nghề đúc khuôn các chi tiết về máy bay nên còn có tên gọi là Đội Năm.
Khi lên vùng Tân Cương sinh sống, nhờ có uy tín nên cụ được bầu làm Tiên chỉ của làng. Từ những cây trà đầu tiên, trải qua thời gian nhiều vườn trà đã mọc lên ở vùng Tân Cương. Năm 1925, cụ Đội Năm mở xưởng chế biến chè, rồi vươn ra tỉnh lỵ Thái Nguyên mở hiệu bán chè, đặt địa chỉ giao dịch tại 3 kỳ trong nước. Năm 1935, cụ Đội Năm đã mang trà đi thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) và đoạt giải nhất. Một số thương gia ở Ấn Độ đã nhập hàng chục tấn trà Tân Cương. Từ đó đến nay, nhân dân Tân Cương suy tôn cụ là ông Tổ làng trà Tân Cương.
Cụ là người đầu tiên đưa giống trà từ Phú Thọ về trồng và phát triển thành làng nghề truyền thống ở Thái Nguyên. Xưởng chế biến của cụ thời đó lúc nào cũng có từ 40 đến 50 công nhân thu hái, sao chế. Chè Tân Cương được đóng gói thành phẩm với nhãn hiệu Con Hạc ngon nổi tiếng, vượt ra cả thị trường ở nước ngoài. Cùng với việc khai khẩn đất đai, phát triển nông nghiệp chủ yếu là trồng chè; cụ Đội Năm lập trường mời thầy dạy học cho con em trong xã.
Cảm kích với tấm lòng của cụ; dân làng Tân Cương thời đó đã tặng cụ bức hoành phi có 4 chữ: “Quân tử Vũ bản” và một câu đối:
Di dân bất di phong, di dân bất dị, đồng tâm khai hóa khánh tương lai.
Tụ nghĩa hà nan, hướng tụ nghĩa hà nan, nhất chí quán thâu minh thế viễn.
Di dân không mất đi tinh thần, phong tục, đồng lòng khai hóa hướng tương lai.
Tụ nghĩa gian nan, chí hướng cũng gian nan trước sau ăn ở trong sáng, vững bền.
Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và cả những người quan tâm đến ông Tổ nghề chè Tân Cương đều đánh giá cao sự kiện gặp gỡ giữa ông nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân và ông Đội Năm. Trước đó, ông nghè Sổ đã kết bạn, giao du với các nhân sĩ Đông kinh nghĩa thục, tham gia dạy học, truyền bá ý thức tư tưởng canh tân. Tuy trải qua nhiều truân chuyên, song chỉ khi đến đất Thái Nguyên (1918) ông Nghè đã gặp được ông Đội Năm, mới phát huy được phần nào ý tưởng trồng cây chè thành hàng nông sản. Trong khi đó một người như ông Đội Năm thuần chất người dân lao động, bị Pháp bắt đi phu làm thợ đúc; khi lên vùng đất Tân Cương, đã được ông nghè Sổ tiếp sức để sang Phú Thọ lấy giống chè và đã trồng thành công loại cây được nhiều người yêu mến, ưa thích dùng như cơm ăn nước uống hàng ngày, làm nên thương hiệu chè Tân Cương nổi tiếng.
Kỹ thuật canh tác & chế biến đầu tiên
Đồi trà của ông Đội Năm trồng dạng ô vuông, tán to bằng cái nong (..đường kính khoảng 1.5m) nghang ngực, kỹ thuật chăm sóc đầu tiên là bón khô dầu (1918-1940) của Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ hồi Pháp thuộc thành lập ngày 21/6/1918.
Quy trình chế biến và thiết bị trà xanh do Kỹ sư người Pháp Goubeaux khảo sát và học tập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Tiếp theo Rémond P. và Nguyễn Văn Đàm nghiên cứu ứng dụng triển khai tại Phú Hộ. Quy trình chế biến loại trà xanh sao chảo này chính là My trà của Chiết Giang, Trung Quốc.
Giống trà Trung Du Bắc Bộ, là giống bản địa do Giám đốc Kỹ sư Du Pasquier người Pháp gốc Do Thái, phân loại là Chine macrophylla, varietas Moyen Tonkin, dịch ra tiếng Việt là Trung Quốc lá to Trung Du Bắc Bộ.
Khí hậu, đất đai thổ nhưỡng và nông dân sản xuất trà Thái Nguyên nói chung đã sáng tạo ra trà Tân Cương danh tiếng, dựa theo quy trình trồng trọt và chế biến là của viện trà tại Phú Hộ – Phú Thọ, có tham khảo quy trình sản xuất trà My của tỉnh Chiết Giang, trong vùng trà Hoa Nam của Trung Quốc.
Làng trà phát triển
Là vùng đất tươi đẹp, những dãy đồi thoai thoải chảy về hướng mặt trời lặn, dân địa phương gọi tên núi Thằn Lằn. Từ những cánh rừng trên núi, các con suối róc rách men theo chân đồi chảy về tưới mát cả vùng bán sơn địa xanh um.
Nơi đây hương trà nhuộm đồng, người dân mê mải làm lụng, nhờ sự khéo léo, thuần thục mà nhiều người được tôn vinh là nghệ nhân.
Mỗi gia đình đều có vườn trà và lò sấy, chủ hộ đóng rất nhiều vai: là nông dân khi chăm sóc trà, là thợ lúc chế biến, và trở thành thương nhân khi bán hàng. Thường thì việc hái trà dành cho những cô gái trẻ, bởi thế, tiếng nói tiếng cười trong vắt vang khắp đồi nương.
Xưa. Người Tân Cương bón trà bằng phân bắc (ủ từ phân động vật cùng các loại thân lá cây xanh), thuốc đuổi sâu chế biến từ cây khổ sâm. Trà được hái từ tinh sương đến giữa Ngọ. Dụng cụ đựng trà bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang vào lán, kẻo phơi nắng lâu dễ bị ôi trà. Khi sao trà, kỵ tạp hương, tạp vị, đặc biệt hương dầu cù là. Hái trà phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa”, như vậy sẽ lấy được đúng nguyên liệu cần để sao chế, và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển. Sau khi thu hái, trà búp tươi được trải trong bóng râm, rồi chế biến ngay trong ngày theo quy trình truyền thống: Sao héo, vò, sao khô, sao giòn rồi đánh hương, làm liên tục, gọi là sao suốt. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm trà.
Qua bàn tay đảo búp trà cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà để được trà ngon; rồi sàng sảy phân loại trà cám, trà bồm, trà búp; lấy hương… rất công phu. Trước đây sao trà bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm trà ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp, sao giỏi chỉ được 5kg/ngày. Nay, việc sao vò trà đã có máy móc phụ trợ, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, trà ngon hay dở đều phụ thuộc vào việc tay nghề cả.
Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào trà cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, quá hay không đủ nhiệt đều khiến phẩm cấp trà không toại ý. Nhiều nghệ nhân chỉ cần nghe tiếng cánh trà trong lồng có thể biết trà được hay chưa!. Dù họ tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng cũng không dễ mà có thể đảo vò trà bằng tay trần trong lò nóng bỏng tới cả trăm độ, chứ chưa nói đến đạt được chất lượng thượng phẩm. Người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận qua đôi bàn tay. Trà loại này cánh săn nhỏ và cong như cái móc câu, có mầu “mốc” đặc trưng. Ðể một dúm trà trong lòng bàn tay mà ngửi đã thấy mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh trà cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà; nhả bã lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp, vặn thử thấy nước và bã xanh rờn như trà tươi, đấy là loại tốt. Có thể ướp trà với hoa sói, hoa ngâu, hoa lài, hoa sen… để tạo thêm những hương thơm khác nhau tùy sở thích mỗi người nhưng việc ướp cũng phải tuân thủ những quy định công phu, nếu không có kinh nghiệm sẽ làm giảm hương-vị tự nhiên của trà.
Những người làm trà nơi đây cho biết, trà ngon trong năm là trà thu hoạch vụ Xuân, mùi hương cốm trà Tân Cương không nơi nào có được. Để có được một ký trà Tân Cương thứ thiệt như vậy quả là không dễ chút nào!.
Sự tích trà Tân Cương
Chuyện xưa kể rằng, có đôi trai gái yêu nhau tha thiết, thủy chung, nhưng vì chàng trai quá nghèo nên không được sự chấp thuận của cha mẹ cô gái vốn là một gia đình quan lang giàu có.
Mọi sự ngăn cản, cấm đoán cũng chỉ khiến đôi trai gái thêm quyết tâm mong ngóng chờ đợi nhau. Tiếng sáo của chàng Cốc không còn vọng đến nàng Công. Nước mắt nàng Công chỉ mình nàng Công biết. Nhớ thương tuyệt vọng, chàng Cốc héo hon mà chết. Trời đất cảm thương hóa chàng thành một quả núi sừng sững giữa trời. Suốt bốn mùa, gió man mác trong cây lá như tiếng sáo xa xăm vọng về. Còn nàng Công, trong buồng giam nhớ thương chàng Cốc khôn nguôi. Nàng khóc ngày đêm. Cho đến một ngày kia cả tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt. Những giọt nước mắt yêu thương thủy chung qua năm tháng thấm sâu vào đất, chảy thành dòng theo vết nứt tìm về núi Cốc. Mỗi năm khi mùa hè đến, trên núi Cốc và đôi bờ sông Công nở đầy loài hoa sim tím, như thầm nhắc thiên diễm tình thuở ấy. Nàng Công quặn mình đau đớn, uất hận khao khát. Đó là những ngày mưa lũ, nước sông Công dâng ào ạt để gần núi Cốc hơn.
Các cụ già kể lại với hậu thế rằng, nước mắt nàng Công thấm vào rễ cây chè mà tạo nên vị ngọt cứ lưu luyến, ngân nga, để người ta nhấp chén trà một lần rồi nhớ mãi mà chẳng biết vì sao.
Chú thích:
[1] Phần nói về diễn biến của phong trào Tây Sơn do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lãnh đạo từ lúc khởi nghĩa tiêu diệt các tập đoàn phong kiến cát cứ đến khi đại thắng quân Thanh xâm lược đã được Vũ Thanh Hằng dịch và lưu trong Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Bình Định, gồm 15 trang, mã số BĐ.913.
[2] Bài văn được chép trong tập sách Hội thí văn tuyển, do nhà sách Gia Liễu sao lại nguyên bản rồi đem khắc in, cụ Nguyễn Tiến Đoàn ở xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là hậu duệ của Nguyễn Đình Tuân đã sưu tầm được và cất giữ
[3] Bài thơ do Đỗ Hữu Lô dịch
[4] Phần 3 và 4 của bài là theo lời kể của các cụ Đào Đình Trưởng, Phạm Văn Thiệp, cỡ 83 tuổi, cùng các cụ Phạm Trần Lãm, Chủ tịch và cụ Hướng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và các ông Phạm Quốc Việt, Bí thư Đảng uỷ, Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Tân Cương.
.. BẮC ĐỖ
tổng hợp