Trà trong Văn chương & Thi ca Việt Nam

Trong không gian văn hoá Á Đông, sự phát triển của văn hoá trà là một thực tế sinh động của nghệ thuật sống, nghệ thuật cảm nhận ngày càng thăng hoa và bay bổng. Trà không chỉ bước vào thế giới thi ca vào thế kỷ thứ VIII, Đời Nhà Đường trên cả đất nước Trung Hoa rộng lớn, mà còn là nguồn cảm hứng cho giới văn nhân của nhiều dân tộc Á Đông.

Ở Việt Nam, trà hiện diện trong văn học dân gian thông qua ca dao, hò vè, câu đối, tục ngữ truyền khẩu và văn chương với những bài thơ kiệt tác của các nhà văn lừng danh xưa và nay. Tập quán uống trà thời xưa của danh nhân, luôn biểu lộ một nhân sinh quan, một nếp nghĩ, một nghệ thuật sống, một cái nhìn bao quát về cuộc đời trong một chén trà. Tâm hồn thi nhân Việt Nam luôn cởi mở, hài hoà, trong tinh thần nhân ái, cảm thông chia sẻ là nét đặc trưng của đạo đức truyền thống Việt Nam. Ngoài việc thưởng thức cái đẹp bình yên trong cuộc sống, để được thanh nhàn trước thế sự trần tục mênh mông bể khổ, uống trà còn biểu hiện một sự ẩn mình trong đáy lòng để nhìn lại sự đời đầy trắc ẩn khôn lường.

Tuy nhiên, trên cái nền chung của truyền thống dân tộc, mỗi tác phẩm thơ ca ra đời trong mỗi thời đại lịch sử – xã hội khác nhau, mang tự sự, nỗi niềm và ý chí riêng tư thể hiện trong các danh nhân Việt Nam (Trà luận. Nguyễn Bá Hoàn, 2003).

Chu Văn An

(tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt) là một đại quan nhà Trần, Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì – Hà Nội).

Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Công bên bên kia sông Tô, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu – Quốc Từ Giám. Sau khi mất được vua Nghệ Tông ban tước Văn Trinh Công sau đó thường được gọi là Chu Văn Trinh, thọ 79 tuổi.

Xuân đán

Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn,
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
Bích mê thảo sắc thiên như tuý,
Hồng thấp hoa tiêu lộ vị can.
Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.

Dịch nghĩa
Nhà trên núi vắng vẻ, suốt ngày thảnh thơi,
Cánh cửa phênh che nghiêng ngăn cái rét nhẹ.
Màu biếc ác cả sắc mây, trời như say,
Ánh hồng thấm nhành hoa sương sớm chưa khô.
Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi,
Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng.
Mùi khói thông sắp hết, khói trà đã tắt,
Một tiếng chim bên suối làm tỉnh mộng xuân.

Nguyễn Trãi 

một vị anh hùng dân tộc, một nhà hoạt động chính trị xuất sắc, một đại văn hào, một danh nhân văn hoá thế giới. Coi trà như một giá trị thư giãn và thẩm mỹ, một công cụ giao tiếp ứng xử xã hội, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn con người trần tục, Nguyễn Trãi đã trút hết phiền muộn trong bài thơ “Loạn hậu đáo Côn Sơn”.

Loạn hậu đáo Côn Sơn

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên,
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên.
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ,
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
Hương lí tài qua như mộng đáo,
Can qua vị tức hạnh thân tuyền (toàn).
Hà thời kết ốc vân phong hạ,
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.

Dịch nghĩa
Từ giã quê hương vừa đúng mười năm
Nay trở về, tùng cúc một nửa đã tiêu sơ
Đã hẹn với rừng suối mà sao nỡ phụ
Trong cát bụi cúi đầu tự thương mình
Vừa qua làng, tưởng như chiêm bao
Chiến tranh chưa dứt, may được toàn thân
Bao giờ được làm nhà dưới núi mây
Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ.

Lê Thánh Tông

Nhà vua quyết đoán, giàu nghị lực, nhiều tài năng chính trị, tư tưởng quân sự và thi văn. Trong bài thơ “Lại vịnh cảnh mùa hè” đã mô tả cảnh ngâm thơ uống trà với bạn tri kỷ.

Lại vịnh mùa Hè

Từ thuở Chu minh chịu lệnh hè,
Thừa lương đình viếng sáng bằng the.
Ngày chầy, đêm kíp sầu hồn bướm,
Lá rụng, hoa tàn động xác ve.
Ngoài cửa đùn đùn tan bóng trúc.
Công đường thay thảy phủ màn hòe.
Thi nhân khi ấy chi làm bạn ?
Một triện trầm hương một chén chè.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nhà tư tưởng lớn ảnh hưởng đến văn phong học phong một thế kỷ. Phong cách uống trà và rượu mời khách, tại quán bên bờ am Bạch Vân nơi bụi xe không bám đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả Pha trà, chim lánh khói, Ngâm thơ thừa tiêu dao.

Trung Tân ngụ hứng

Nhân thôn quán tây nam,
Giang thuỷ quán tây bắc.
Trung hữu bán mẫu viên,
Viên tại Vân Am trắc.
Luân ưởng trần bất đáo,
Hoa trúc thủ tự thực.
Trượng lý tập hoa hương,
Trản giả xâm hoa sắc.
Điểu tị phanh trà yên,
Ngư thôn tẩy nghiễn mặc.
Khiển hứng nhậm thi cuồng,
Phù suy da hữu lực.
Nhân xảo, ngả giả chuyết,
Thuỳ tri chuyết giả đức,
Ngã chuyết, nhân giả xảo,
Thuỳ tri xảo giả tặc.
Kiền khôn tĩnh lý suy,
Cổ kim nhàn trung đắc.
Hiểm mạc hiểm thế đồ,
Bất tiển tiện kinh cúc.
Nguy mạc nguy nhân tâm,
Nhất phóng tiện quỷ quắc.
Quân tử cầu sở chỉ,
Chí thiện tư vi cực.

Dịch nghĩa
Phía tây nam quán ấy có làng xóm,
Phía tây bắc quán ấy có sông ngòi.
Ở giữa có nửa mẫu vườn,
Vườn ở bên am Bạch Vân.
Bụi ngựa xe không bám vào được cái am ấy,
Hoa và trúc ở trong vườn chính tay tự trồng lấy.
Khi chống gậy, lê dép ra vườn chơi thì hương thơm của hoa bám vào gậy, dép
Khi nâng chén rượu để thưởng thức thì sắc hoa ánh vào chén rượu.
Khí đun nước để pha trà thì loài chim lánh khói,
Khi rửa nghiên mực, mực chảy xuống thì loài cá nuốt lấy.
Khi thích chí thì ngâm thơ tràn để tiêu khiển,
Lại nhờ có chén rượu nhắp cho hăng hái để đỡ sức già yếu.
Người ta khéo léo mà mình lại vụng về,
Biết đâu vụng về ấy lại là một đức tốt!
Ta khờ dại mà người thì xảo quyệt,
Biết đâu lòng xảo quyệt ấy lại là một cái hại lớn!
Khi tĩnh, suy lẽ tạo hoá,
Lúc nhàn, ngẫm việc xưa nay.
Không gì hiểm bằng đường đời,
Nếu không biết cắt bỏ đi thì toàn là chông gai cả.
Không gì nguy hiểm bằng lòng người,
Nếu không biết giữ gìn mà buông phóng ra thì hoá thành quỷ quái cả.
Vì vậy, người quân tử phải tìm nơi đứng cho vững,
Lấy điều “chí thiện” làm tiêu chuẩn tuyệt đối.

Lê Quý Đôn

nhà bác học uyên thâm với quan điểm lý khí, biện chứng, đầy bản sắc văn hoá dân tộc viết về cây chè Thanh Hoá trong Vân đài loại ngữ

Nguyễn Du

nhà văn hoá dân tộc và thế giới mô tả thú vui uống trà là đầu câu chuyện, chất kết dính người với người sát lại bên nhau, chất điều chỉnh hành vi xã hội của con người trong Truyện Kiều.


Khi hương sớm khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn

Thiền trà cạn nước Hồng Mai,
Thong dong nối gót thư trai cùng về.

Phạm Đình Hổ

nhà văn cảm nhận về thú vui uống trà, cùng với ông bạn Tô nho sinh hoà mình với thiên nhiên, bên bờ sông bóng cây so le, mảnh trăng in trên mặt nước trong veo, gửi tâm tình vào cây cỏ, ngâm vịnh trong Vũ trung tuỳ bút.

Nguyễn Công Trứ

Con người thiết tha yêu nước, yêu dân, giúp triều đình dẹp loạn, khai khẩn dinh điền, có cá tính mạnh mẽ, sống phóng khoáng, độc đáo, một phong cách tài tử, nhà nho tài ba, có chí lớn nhưng không gặp thời nhắc đến trà trong Câu đối dán chơi.

Chiều ba mươi công nợ rối Mậu Thìn, những muốn mười năm dồn một Tết
Sáng mồng một rượu chè say Kỷ Tỵ, trông cho ba bữa hoá mười ngày

Công nợ rối canh tàn, ước những mười năm dồn lại một
Rượu chè tràn quy tị, trông cho ba bữa hóa ra mười

Cao Bá Quát

Với sức sáng tạo dồi dào, phong phú, sống sôi nổi, mạnh mẽ, tài hoa kiệt xuất, với cái nhìn sắc sảo, tiến bộ, một nhân cách cao thượng, trong sáng, một tình thương dành cho người cùng khổ, một tình cảm rộng lớn mang ý nghĩa nhân đạo, có bài thơ uống trà

Vị minh tiểu kệ đồng Phan sinh dạ toạ

Tuyển hữu mạc thủ khí,
Thủ khí mê kỳ nhân.
Vị minh mạc thác hoa,
Thác hoa ly kỳ chân.
Hiểu tỉnh cấp thanh tuyền,
Tế thán lý tân hoả.
Vô yên dữ trần khí,
Hối thủ nhất tiếu khả.
Nhự hương quý thanh chân,
Bất dụng ngoại thước ngã.
Vô dĩ nhất ác khan,
Phóng nhĩ tỵ quan giả.
Huyễn phục phi tráng nhan,
Phồn âm biến đại nhã.
Thí lưu nhất chuyển ngữ,
Tự tại chứng hiện quả.

Dịch thơ
Chọn bạn chọn bề ngoài,
Không thấy điều hẳn hoi.
Uống chè có hoa ướp,
Biến mất hương chè rồi.
Sáng sớm múc nước giếng,
Lửa nhóm nắm than rời.
Không khói cũng không bụi,
Rửa tay khề khà ngồi.
Nếm mùi cốt thực chất,
Không cần thêm vị ngoài.
Chớ vì chút của hiếm,
Lừa dối mũi ta hoài.
Người đẹp không ở áo,
Thơ hay thường ít lời.
Kệ này hãy ghi lấy,
Chứng quả việc trên đời!)

Nguyễn Khuyến

Nhà thơ trào phúng và châm biếm quan lại đương thời, day dứt và cay đắng than thở cho sự bất lực của bản thân một thày đồ bất mãn với thời cuộc, mượn chén trà để quên thế sự trần tục đảo điên khôn lường trong bài thơ.

Anh giả điếc

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cày,
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhan như mộc,
Dạ lý phan viên, nhĩ tự hầu.
Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu, khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu,
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc.
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à!

Nguyễn Tuân

Nhà văn sành điệu về thưởng thức trà tàu, một thú vui thư giãn và thanh lịch của con ngươi kẻ sỹ Thăng Long, rơi vào cảnh túng bấn, lãng tử, mà vẫn còn thói hào hoa phong nhã uống trà tàu. Tâm sự của một thời dĩ vãng đã qua đi mãi mãi, tìm về thời vàng son của quá khứ đã được mô tả trong Vang bóng một thời qua các tác phẩm Những chiếc ấm đất & Chén trà trong sương sớm

Hoàng Cầm

Định danh trên văn đàn Việt Nam với hai tác phẩm lớn Về Kinh BắcBên kia sông Đuống, nhưng ở Hoàng Cầm không chỉ có thế, hồn thơ ông như mạch nước không bao giờ dứt, với kho tàng thi phẩm đồ sộ ông cũng không quên dành một thi phẩm riêng cho Trà.

Cô gái hái chè

Dù cô gái hái chè
Khuất dần trong lụa the
Có về cung chúa Trịnh
Tiếng hát không bêết đi võng đào
Tiếng hát nghiêng chào
bà chúa!
Lấp lánh trở về
Nằm trong hoa cỏ đồi quê
Đợi mùa xuân đến xôn xao
Tiếng hát bay xòe cánh én
Nhà nhà mở cửa đón chim vào


Hấp háy mắt bé loài vua chúa
Chẳng thể vời theo tiếng hát cao.

Nguyễn Triệu Luật

Nhờ có vốn hiểu biết sâu về lịch sử, cộng với tài tạo dựng, nên những tác phẩm của ông đều thể hiện được màu sắc, không khí của thời xưa và một tinh thần nhân bản dồi dào, sâu sắc.

Ngay từ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên là Hòm đựng người, Nguyễn Triệu Luật đã được người đương thời chú ý và yêu thích. Đến bộ ba tác phẩm: Bà chúa Chè, Loạn kiêu binh và Chúa Trịnh Khải, thì nghệ thuật tiểu thuyết của ông càng được nâng cao hơn và phạm vi đề tài cũng mở rộng hơn. Trong bộ ba này, hay hơn cả là cuốn Bà chúa Chè. Qua cuốn sách này, tác giả đã dựng lại khá sinh động hình tượng một Bà chúa Chè (tức Đặng Thị Huệ, nhân vật chính) thông minh, bản lĩnh và biết thương cảm (khác với hình ảnh một vương phi lắm mưu mô, đầy tham vọng trong sách Hoàng Lê nhất thống chí). So với những tiểu thuyết lịch sử đương thời thì Bà chúa Chè có sự mới mẻ trong hư cấu, khéo léo trong bố cục, hấp dẫn của tình tiết, chân xác của lịch sử và có cả cái nhìn cấp tiến trong cách đánh giá nhân vật chính.

Xuân Diệu

Nhà thi sỹ của tuổi xuân, của tình yêu và ánh sáng, với nguồn sống dạt dào, mà tiếng thơ là tiếng reo vui năn nỉ, sự chân thành cảm xúc, những tình ý rạo rực biến lẫn trong thanh âm. Tình yêu, con người và cuộc sống của Xuân Diệu thể hiện trong thi phẩm của ông

Chè Suối Giàng

Chè Suối Giàng nay bốn vụ đều
Mùa xuân lông tuyết búp non thêu
Trông như loáng bạc trên sườn núi
Ngắt lộc, cô Mèo vòng bạc đeo

Cù Huy Cận

Nhà thơ gắn bó với thiên nhiên xứ Nghệ vừa trữ tình, vừa khắc nghiệt, có những con người cần cù hay chữ, với cuộc sống lãng mạn và khôn khó. Nhà thơ gắn bó với làng xóm, đình chùa, bến nước, cây đa ca ngợi người cha dạy sớm tinh mơ đi cày trâu, hút thuốc lào trong thi phẩm Ai vô xứ Nghệ, sau này Phạm Tuyên đã phổ nhạc để chúng ta có ca khúc cùng tên

Có ai vô xứ Nghệ

Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ.
Ai đi ra nơi nầy, xin chân dừng xứ Nghệ.
Nghe câu vè ví dặm càng lắng lại càng sâu.
Như sông La chảy chậm, đọng bao thủơ vui sầu

Ai ơi cà xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn.
Nước chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon.
Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi mà sâu lắng.
Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng

Khoai lang vàng xứ Nghệ, càng nhai kĩ càng bùi.
Cam xã Đoài xứ Nghệ, càng chín lại càng tươi.
Đất này đất Xô Viết, Đảng mở hội cờ hồng
Tự tuổi vàng đã biết, mặn mà tình công nôn

Ôi tâm hồn xứ Nghệ, trong hồn Việt Nam ta.
Có gì tự ông cha, rất xưa mà rất trẻ.
Giống như Bác của ta, một người con xứ Nghệ.
Giống như Bác của ta, một con người xứ Nghệ…!

Tố Hữu

Nhà thơ mắt ngắm “Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” của Việt Bắc, tai nghe tiếng hát trên sông, cúi nhìn con đường rộng thênh thang tám thước mới mở. Rồi tiếp đó là ngẩng đầu lên trời xanh lồng lộng, trong mạch thơ cuồn cuộn và ào ạt như thác chảy.

Ta đi tới !

“Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…”

Anh Thơ

Nhà thơ mô tả cách ngắm nhìn nông thôn nhiều bằng lặng, nhưng khao khát sống và yêu đương của một thiếu nữ tiểu tư sản bâng khuâng u buồn, bằng những cảm xúc về tiếng hái chè dào dạt, những nét đẹp của cuộc sống mới ở Nông trường Cửu Long vào những năm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Tiếng hát ai chè

Tặng những nàng dâu Nam Bộ

Tôi đứng ngắm nương đồi thoai thoải
Xanh xanh, tít tắp màu xanh trải.
Những búp tơ non óng mượt mà
Những búp chè xuân chát ngọt, thơm hoa.

Tiếng hát đã lên nương, nhịp nhàng ngân vút
Bàn tay ai đang nảy phím dương cầm.
Không, những bàn tay nhanh nhanh bắt búp
Hay bắt về anh biếc của mùa xuân.

Những bàn tay của người vợ đảm.
Tiễn chồng đi, mùa lại đốn chè
Từng buổi mưa sương, từng đêm giá lạnh.
Nhớ thương đồn lưỡi phảng loáng sao khuya

Ơi những người chồng! mồ hôi anh đã đổ
Tưới gốc chè này, cho đất Bắc thêm xanh.
Ai hiểu tình ai: trái tim chia nửa
Ở hậu phương này, em tiếp tay anh.

Gian khổ có, nhưng sao bằng trong ấy.
Ta gắng thi đua mình lại nhủ mình.
Khi tầm bom đã bao trùm nương rẫy
Búp chè xuân dù sém
Phải lên xanh!
Tiếng hát, tay đây tiếng tâm hồn?
Không, chỉ có tiếng hái chè dào dạt:
Tôi nhìn những lẵng xanh ngan ngát
Thoăn thoát theo người, xuống núi, lên nương.

Nông trường Cửu Long
Đầu xuân 1968

Trà trong thi văn Việt Nam qua các thời đại lịch sử

Có thể phân loại sự xuất hiện của trà trong thi văn Việt Nam theo các thời kỳ sau:

Thời kỳ phong kiến

Tập trung ở Việt Nam, bắt đầu từ thời Ngô Quyền (939-944), dành độc lập, đánh quân Tấn Cao Tổ – Nam Hán, tương ứng với thời kỳ Thập nhị sứ quân ở Việt Nam (966-968). Trải qua các thời kỳ Nhà Lý (1009-1225), Nhà Trần (1225-1400) và Nhà Hồ (1400-1407) chống họa xâm lăng Nhà Tống và Nguyên Mông, Văn hoá Việt Nam đặc biệt nở rộ với Phật giáo, Đạo Lão và Đạo Khổng từ Trung Quốc truyền sang (XI-XIV. Xây dựng chùa Một Cột, Quán Thánh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tháp Phổ Minh; phát triển Đông y Tuệ Tĩnh, nghệ thuật Chèo, Tuồng; xây dựng thành Tây Đô (1397).

Trong thời kỳ này, chỉ mới sưu tập được câu nói về Trà đạo của nhà sư Viên Chiếu (990 – 1091).

Thời kỳ Hậu Lê

(1428 – 1788), Lê Lợi chống đô hộ Nhà Minh, thành lập Hậu Lê; lấy Đạo Khổng làm quốc đạo, nhưng vẫn còn ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo Lão; bắt đầu tiếp xúc với Hà Lan, Portugal, sự xâm nhập của Kitô giáo và sáng tạo ra chữ quốc ngữ; thời kỳ Nguyễn (phương Nam) Trịnh (phương Bắc) phân tranh. Kinh tế, văn hoá phát triển, ra đời Bộ Luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông về cải cách điền địa.

Các danh nhân văn hoá trà gồm có Chu văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến… viết về uống loại trà tàu sợi rời.

Thời kỳ hiện đại thế kỷ XIX – XX

Trong những năm 1900, Việt Nam mới chỉ có vườn chè tươi hộ gia đình miền Trung du và chè mạn vùng núi phía Bắc của người Dao, người Mông. Thời Pháp thuộc ở Việt Nam mới phát triển chè công nghiệp tại Bắc Kỳ sau khi thành lập Trạm Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Phú Thọ năm 1918, Quảng Nam và Tây Nguyên. Những năm 1935 – 1940 Việt Nam đã xuất khẩu trà xanh và đen sang Bắc Phi và Tây Âu.

Vào giữa thế kỷ XX ở Việt Nam, các nhà văn hoá như Nguyễn Tuân, Vương Hồng Sển, Nguyễn Triệu Luật, Hoàng Cầm, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Anh Thơ… đã viết về thú vui uống trà tàu của sỹ phu Bắc Hà, văn hoá trà cung đình, văn hoá chè tươi nhân dân lao động, ca ngợi rừng cọ đồi chè Việt Bắc, cây chè cổ Suối Giàng, chè xanh xứ Nghệ và đôi bàn tay người phụ nữ hái chè ở Hà Tây.

Trong thời kỳ đổi mới đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã hội nhập vào khu vực Đông Nam Á. Việt Nam phát triển mạnh sản xuất chè, đứng trong 10 nước sản xuất và xuất khẩu trà hàng đầu thế giới. Văn hóa trà được bàn luận nhiều hơn các thời kỳ trước và nhiều hoạt động văn hóa trà đã được tổ chức. Bao gồm Hội thảo Văn hoá chè 1997 tại TCTCVN, Triển lãm Hội chợ Vân Hồ 1999, Hội chợ trà hoa 2002 tại Công viên Tuổi Trẻ – Hà Nội, Hội thảo chè chất lượng cao 2003 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp, Hà Nội. Xuất bản Tạp chí Kinh tế – KHKT Chè, Người làm Chè, Thế giới Chè, Xưa và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), đăng nhiều bài về khoa học – văn hoá chè Việt Nam.

BẮC ĐỖ
Sưu tầm & Biên tập

%d người thích bài này: