Nâng chén trà, nhớ Hà thành xưa …

Hà Nội sáng. Dòng người cuồn cuộn lao đi trên đường. Trà đá đã tấp nập. Hà Nội trưa. Rồi Hà Nội tối. Trà đá lúc nào cũng tíu tít. Có thách vàng, người ta cũng không tìm được vài trăm mét phố nào ở đất này thiếu trà đá.

Người Việt có tục uống trà từ lâu đời. Người Hà Nội nâng nó lên thành nghệ thuật. Đọc lại “Vũ trung tùy bút” của cụ Phạm Đình Hổ, ta cũng biết rằng, quãng hai trăm năm về trước, cách thưởng trà của người Việt đã cầu kỳ lắm. Riêng về trà cụ (dụng cụ pha trà), có gia đình sẵn sàng bỏ cả mấy chục lạng bạc mua cho được những bộ ấm quý. Nhà văn Nguyễn Tuân, trong một tác phẩm trước những năm 1945 lại kể rằng: Có kẻ ăn mày ghé vào một gia đình giàu có, nhưng hắn không xin cơm, mà xin một ấm trà. Khi uống xong, kẻ hạ tiện kia cả gan chê trà của nhà quyền quý không ngon. Gia đình quyền quý vốn tự hào về sành trà cả giận, nhưng rồi đã giật nảy mình về khả năng thưởng trà của kẻ ăn mày, khi biết trong trà của mình không hiểu sao lẫn vài vụn trấu!

Người Hà Nội xưa uống trà nóng. Khoan hãy nói đến sự cao siêu của đạo dùng trà. Chỉ biết rằng, với người xưa, trà ngon phải có bạn hiền. Nâng chén trà, vừa để thưởng thức hương vị, vừa để ngẫm ngợi nhân tình thế thái, vừa để đàm cổ luận kim. Nếu không phải buổi trà có tính ngoại giao, chỉ một buổi uống trà xưa trong nội bộ, cũng là nơi thể hiện tôn ti trật tự, khi con cháu thể hiện sự tôn kính với bề trên, thông qua pha trà, dâng trà, các cụ vốn gọi hầu trà.

Trà đá âm thầm xâm nhập vào Hà Nội từ lúc nào, chẳng ai nhớ. Chỉ biết rằng, giờ, mùa nắng người ta uống trà đá. Ngày thu, các ngõ ngách cũng đông đặc người uống trà đá. Ngày đông, người ta cũng vẫn ngửa cổ tu trà đá ừng ực. Ăn trưa trà đá, sáng ra, bên cạnh tô phở cũng phải đặt cốc trà đá dường như người ta mới yên lòng. Bên cốc trà đá, vô khối chuyện…

Nhiều thứ hành xử kiểu “trà đá vỉa hè” len vào đời sống người dân đất này lúc nào không hay. Người ta bảo văn hóa Hà Nội là hội tụ, kết tinh và lan tỏa. Xem ra chuyện đó là quá vãng. Cách ứng xử của người tứ xứ, gần như cuốn phăng văn hóa người Hà Nội. Có chăng, chỉ còn lại vài góc nhỏ, tồn tại âm thầm, tựa như chính bộ mặt phố cổ – nơi những ngôi nhà cổ đích thực, chỉ thoi thóp bên cạnh những tòa nhà gương kính sáng choang.

Một ngày, nâng chén trà xanh, để nhớ cốt cách người Hà thành, khi xưa. Xã hội càng vận động nhanh, con người lại càng cần có lúc chậm lại.

Gia Đình
.net

%d người thích bài này: